Vào hồi 7h00 ngày 31/8, mực nước sông Cầu Chày đo được tại Trạm Thủy văn Xuân Vinh là 8.50m (trên mức báo động I là 0.50m). Dự báo mực nước sông Cầu Chày tại trạm thủy văn Xuân Vinh có khả năng đạt mức báo động II (BĐII 9.00m) vào khoảng từ 12h- 14h ngày 31/8/2019.
Hàng trăm ha lúa đến ngày thu hoạch bị nhấn chìm trong biển nước |
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát lệnh báo động II trên sông Cầu Chày, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện: Triển khai ngay việc tuần tra, canh gác, hộ đê theo các cấp báo động. Rà soát, kiểm tra và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn. Thông báo cho nhân dân sống vùng ngoại đê biết để chủ động sơ tán khi mực nước lên cao.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Cơ quan chức năng huy động nhân, vật lực xử lý điểm sạt đê ở xã Thọ Hải |
Nước sông Cầu Chày đang cao đã khiến hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả và diện tích nuôi trồng thủy sản ngoại đê bị ngập chìm trong nước, khoảng 2.000 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu của xã Quảng Phú (Thọ Xuân) bị chia cắt với bên ngoài. Trong đó khoảng 20 hộ ở ngoài sông thuộc vùng trũng thấp và toàn bộ diện tích bãi sông của xã Quảng Phú bị ngập lụt. Để đảm bảo an toàn, chính quyền đã yêu cầu người dân di dời toàn bộ người và tài sản đến nơi an toàn. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã cũng đã bị nước vào sân, vườn... Tuyến đường từ xã về trung tâm huyện đang bị chia cắt, nước ngập sâu không thể di chuyển được. Hiện trên địa bàn vẫn đang có mưa khiến công tác di dời người dân, tài sản gặp nhiều khó khăn.
Hàng trăm nhà dân xã Quảng Phú bị ngập sâu trong nước |
Tuyến đê sông Chu đoạn qua xã Thọ Hải (Thọ Xuân) bị sạt trượt dài gần 50m, xuất hiện vết nứt dài chạy dọc đê, phần bê tông phái trên bị bẻ gãy. Ngay trong sáng 1/9, cơ quan chức năng đã huy động hàng trăm người mang bao cát, cọc tre, đá hộc để xử lý vết sạt. Đồng thời cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm xe tải trọng lớn qua đây.
Tại huyện Thọ Xuân, tính tới tối ngày 31/8, mưa lớn đã khiến 11 ngôi nhà cấp 4 của người dân bị tốc mái, 33 cột điện bị gãy, đổ; bãi bồi ở thôn Minh Hải xã Thọ Hải đã bị sạt, sạt lở 45m đê con trạch (đê hữu sông Chu đoạn dốc Hương, xã Thọ Hải). Các tuyến đường đi thôn Đồng Cổ xã Xuân Thiên, từ Xuân Tín đi Quảng Phú bị ngập từ 30 – 60cm… 2.473ha diện tích cây trồng, nuôi trồng thuỷ sản của huyện này bị đổ ngã, ngập úng. Cụ thể, xã Xuân Lập 285ha; Xuân Lai 170ha; Xuân Minh 175ha; Xuân Trường 90ha; diện tích lúa ngập lớn: Xuân Châu 145ha; Xuân Phú 138ha; Nam Giang 30ha; Thọ Thắng 40ha; Rau màu 74.8 ha; Ngô 143.9 ha, Mía 170 ha và 133,25 ha nuôi trồng thủy sản.
Sạt lở đất, đá từ trên núi xuống đang đe dọa đến sự an toàn của thầy và trò Trường THCS Trung Sơn |
Tại huyện Thạch Thành, đến ngày 31/8, đã bị ngập lụt 43 hộ dân; hơn 1.800 ha lúa, ngô, mía và gần 200 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt, gãy đổ; hơn 300 mét đường giao thông, kênh mương bị sạt lở. Các xã bị thiệt hại nặng là Thành Long, Thành Tiến, Ngọc Trạo, Thành Tâm, Thành Trực.
Tình trạng sạt lở đất, đá từ trên núi xuống đang đe dọa đến sự an toàn của thầy và trò Trường THCS Trung Sơn (Quan Hóa) đe dọa sự an toàn của gần 200 học sinh, 13 cán bộ giáo viên. Hiện nay, tình trạng sạt lở đất, đá từ trên núi xuống đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng. Nếu không có phương án gia cố bờ kè ta - luy dương ở phía sau dãy nhà công vụ của giáo viên thì rất nguy hiểm.
Trước diễn biến khó lường của thời tiết và ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, các địa phương trong tỉnh nhanh chóng thống kê thiệt hại, tập trung lực lượng giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện trực ban 24/24h; theo dõi tình hình thời tiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó khi có mưa lũ xảy ra.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Công lý