Trong tỉnh

Thanh Hoá: “Khoá” xe quá tải, phải xử lý tận gốc

Mặc dù có nhiều biện pháp tuyên truyền, xử lý, thế nhưng tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn hoành hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây mất an toàn giao thông mà còn phá hỏng kết cấu các tuyến đường giao thông tại địa phương.

Trong số 69 người chết, 136 người bị thương do tai nạn giao thông gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá 6 tháng qua, thì số vụ tai nạn, số người tử vong do xe tải gây ra chiếm trên 43%. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, phá hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.

"6 tháng đầu năm, giá nhiên liệu tăng từ 17.000- 33.000 đồng, mà cước không tăng. Đối với chủ mỏ thấy xe ra vào ít thì đoán là do tải trọng, xăng dầu, giá cả xe không chạy được"- Đại diện Công ty TNHH Huy Hoàng ở Thanh Hoá - đơn vị kinh doanh vận tải, khai thác mỏ) cho biết.

Số lượng xe cơi nới thành thùng lưu thông trên các tuyến đường nhiều.

Ông Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn cho biết, công ty có 50 đầu xe và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, kể cả khi giá xăng dầu tăng.

"Để đảm bảo an toàn người, tài sản, đường bộ, không chở quá khổ, quá tải, không cơi nới thành thùng, làm mất trật tự an toàn giao thông. Đối với chủ các mỏ, doanh nghiệp cương quyết không cung cấp vật liệu, hàng quá kích thước trọng tải quy định của phương tiện"- ông Nguyễn Duy Nở cho biết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn hoành hành trên các tuyến đường, trong khi các doanh nghiệp vẫn cam kết và "bao biện" không vi phạm. Ghi nhận của phóng viên, tại các tuyến Quốc lộ 1A, 45; đường tỉnh 516D, 505… lưu lượng xe quá tải nhiều, khiến đường xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng.

Việc lắp trạm cân tại mỏ đất sẽ kiểm soát tải trọng tốt hơn.

"Cái này là bao biện thôi, ký hợp đồng rồi nhưng xăng dầu lên phải điều chỉnh hợp đồng. Không phải vì hợp đồng của các bên mà bất chấp quy định của nhà nước. Xe phải chở đúng tải, đường quy định có 10 tấn mà chở 15 tấn, phải nâng cao ý thức trách nhiệm"- ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thanh Hoá cho biết.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, không thể đổi thừa cho giá nhiên liệu tăng để vi phạm quá khổ, quá tải. Trong quý 3 năm nay, sẽ siết chặt tải trọng ngay tại đầu ra hàng hoá, tại các mỏ, cơ sở bốc xếp, nhà máy xí nghiệp…

Giá nhiên lựu tăng, giá cước vận tải thấp, cùng với lực lượng chức năng kiểm soát tải trọng khiến nhiều phương tiện phải ngừng hoạt động.

"Các chủ xe vin vào cớ giá xăng dầu tăng để chở quá tải, tuy nhiên mười mấy năm nay, xăng dầu không tăng thì vẫn chở quá tải, đây chỉ là cái cớ thôi. Chúng tôi khẳng định trong quý III này sẽ có giải pháp cơ bản, giải quyết tận gốc đó là lắp đặt các trạm cân tại nhà máy, mỏ, bốc xếp... Hiện việc giao lắp trạm cân tại mỏ theo quy định đang thực hiện chậm, máy móc"- ông Mai Xuân Liêm cho biết.

Việc xử lý xe quá tải không phải bây giờ mới nói, mà đã được địa phương triển khai nhiều năm nay. Thế nhưng không hiểu vì sao, các đoàn xe quá tải vẫn hoành hành trên đường giữa "thanh thiên bạch nhật" ở Thanh Hóa nhưng vẫn “lọt” qua tai mắt lực lượng chức năng?./.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok