Thanh Hóa là một trong 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng được triển khai chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Thế Giới tài trợ. Đây là chương trình cung cấp nước sạch bền vững cho 340.000 gia đình, 130 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung quy mô xã và liên xã cấp nước cho 240 xã tại 8 tỉnh; trong đó tỉnh Thanh Hóa có 30 xã nằm trong các hợp phần của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Nước sạch của hộ gia đình thuộc xã Hải Vân, huyện Như Thanh |
Kết quả đạt được trong năm 2017: Kế hoạch đề ra là 10.250 đấu nối nước mới, kết quả thực hiện 13.662 hộ đấu nối nước sạch (đạt 133% kế hoạch trong năm 2017); trong đó: Huyện Hoằng Hóa có 8 xã được xây dựng công trình cấp nước sạch cho 6.867 hộ đấu nối nước mới. Công trình nước sạch xã Hà Vinh, huyện Hà Trung là 862 đấu nối mới. Xã Đông Minh, huyện Đông Sơn có 813 hộ đấu nối mới. Xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn có 906 hộ đấu nối. Công trình cấp nước sạch 3 xã Đông Quang, Đông Phú, Đông Nam là 1.593 hộ đấu nối nước mới. Cấp nước sạch núi Go, huyện Thiệu Hóa là 1.274 hộ đấu nối và 2 xã An Nông, Dân Lực, huyện Triệu Sơn là 296 hộ đấu nối mới nước sạch.
Số người được hưởng lợi từ công trình nước sạch bền vững, theo kế hoạch năm 2017 là 57.250 người, kết quả thực hiện là 46.851 người (đạt 81,3% mục tiêu) từ công trường cấp nước sạch 9 xã huyện Nga Sơn.
Công trình vệ sinh hộ gia đình xây mới do Trung tâm y tế dự phòng tỉnh thực hiện. Theo kế hoạch năm 2017 là 3.025 nhà tiêu hợp vệ sinh được xây mới, kết quả thực hiện đạt 5.550 nhà tiêu hợp vệ sinh (đạt 181% mục tiêu).
Nhà máy nước Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc |
Kết quả thực hiện các công trình vệ sinh ở trường học, trạm y tế có 6 xã có trường học, trạm y tế duy trì được tình trạng vệ sinh (đạt 100% kế hoạch) gồm xã Xuân Trường, Hà Vân, Thiệu Tiến, Thăng Long, Hải Châu và xã Thanh Thủy…
Các hoạt động năm 2017 về cấp nước sạch và vệ sinh đã giúp cho nhiều xã trong tỉnh cải thiện điều kiện sử dụng nước sạch và vệ sinh với 13.662 đấu nối nước mới từ công trình cấp nước tập trung, 5.550 nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng, 46.851 người được hưởng lợi từ công trình cấp nước bền vững. Đồng thời góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Chương trình đã gúp cải thiện điều kiện vệ sinh cho các hộ gia đình của nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa. Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo vệ sinh môi trường trong nhân dân.
Để chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại tỉnh Thanh Hóa đạt kết quả cao. Kế hoạch năm 2018, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường sống để tiếp tục đấu nối sử dụng nước sạch từ dự án. Chỉ đạo hoàn thành xây dựng, chuẩn bị các điều kiện về tổ chức bộ máy và mô hình quản lý để đưa công trình cấp nước sạch cho 8 xã huyện Hoằng hóa vào vận hành, cung cấp dịch vụ nước sạch cho nhân dân đúng tiến độ để đảm bảo đạt được chỉ số giải ngân trong năm 2018.
Tác giả: Thu Thủy
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường