Trong tỉnh

Thanh Hóa hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đã có bước phát triển khá toàn diện, từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được ứng dụng, chuyển giao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên.

Thu hoạch cà chua sạch tại khu công nghệ cao Lam Sơn (Sao Vàng, Thọ Xuân). Ảnh: Trương Bá Vinh

Các kết quả nổi bật về phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã góp phần quan trọng tạo ra sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.


Tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh là rất lớn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020.

UBND tỉnh đã ban hành: Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu (mía, cao su, sắn, rau an toàn) gắn với chế biến và xuất khẩu; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng là một trong các khu nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, tạo khuôn khổ pháp lý cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Một trong những kết quả nổi bật đã đạt được trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua là đã lập được các quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Quy hoạch chi tiết xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2020; quy hoạch chi tiết khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung dọc đường Hồ Chí Minh vào Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thanh Hóa. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp cũng được chú trọng ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Cụ thể, trong trồng trọt: đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 8 giống lúa mới; tiếp nhận, nghiên cứu hoàn thiện và làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất hạt giống lúa lai, lúa thuần, ngô lai F1, từ đó đưa vào sản xuất giống lúa lai F1 với quy mô khoảng 700 ha/năm, giống lúa thuần khoảng 3.000 ha/năm, ngô lai F1 khoảng 450 ha/năm; đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ, hàm lượng các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính đạt trên 140 ha; phục tráng các cây trồng tại địa phương (như lúa nếp hạt cau, bưởi Luận Văn); mở rộng diện tích sản xuất rau, hoa quả công nghệ cao trong nhà có mái che đạt 379 ha; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây trồng đạt hàng triệu cây/năm (hoa đồng tiền, hoa lan, mía, giống bưởi Luận Văn).

Trong chăn nuôi, ứng dụng thành công công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân giới tính cho bò sữa, thụ tinh nhân tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, phối giống cho 30.000 - 40.000 bò cái nền có chửa hàng năm; nghiên cứu đánh giá, tuyển chọn bò đực giống tại Moncada để sản xuất tinh đông lạnh phục vụ công tác lai tạo giống bò Việt Nam; đưa các giống mới vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa được nâng cao. Xây dựng thành công các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, áp dụng hệ thống chuồng kín, nuôi sàn, điều hòa ẩm độ và nhiệt độ, xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Trong lâm nghiệp ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô thực vật, vi ghép trong sản xuất giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Hàng năm sản xuất được gần 1 triệu cây mô, hom, 30 triệu cây giống keo tai tượng Úc có năng suất chất lượng cao. Xây dựng thành công các mô hình thâm canh, phục tráng rừng luồng, đưa năng suất cây luồng từ 2.100 cây/ha lên 3.600 cây/ha, chất lượng rừng được nâng cao, làm cơ sở đầu tư cho các vùng luồng thâm canh tập trung.

Trong thủy sản tiếp nhận và làm chủ công nghệ điều khiển giới tính để sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực; công nghệ sản xuất giống tôm sú; công nghệ sản xuất giống phi cầu sài; công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua xanh, ngao Bến Tre trong ao đất, cá bống bớp, cá lăng chấm, cá dốc. Xây dựng thành công mô hình sản xuất tôm chân trắng thâm canh hiện đại, đã đầu tư hệ thống ao nuôi tại các huyện ven biển tạo thành vùng sản xuất hàng hoá lớn, ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản xuất từ 2 - 3 vụ/năm, với diện tích 170 ha, năng suất đạt trên 11 tấn/ha.

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì khoa học công nghệ phải trở thành chìa khóa. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã hợp tác với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các viện, trung tâm nghiên cứu trong cả nước để đào tạo cán bộ, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhiều chuyên ngành khác nhau.

Đồng thời, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị đảm bảo phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; điển hình là đầu tư nâng cấp 4 trung tâm nghiên cứu trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, như: Cơ chế, chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1; hỗ trợ sản xuất rau an toàn; hỗ trợ giống gốc, vật nuôi.

Đặc biệt, giai đoạn 2010 – 2016, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến đổi mới công nghệ, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, điển hình như: Công ty CP mía đường Lam Sơn đã đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Công ty TNHH hai thành viên bò sữa Thống Nhất Thanh Hoá đầu tư dự án phát triển Trung tâm các trang trại bò sữa quy mô 16.000 con; Công ty TNHH HTV ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ đầu tư dự án Bò sữa của TH True Milk với quy mô 20.000 con; Tập đoàn Master Goods của Hungary hợp tác với Công ty CP nông sản Phú Gia xây dựng nhà máy chế biến gia cầm gắn với chuỗi trang trại chăn nuôi gà theo công nghệ Châu Âu...

Song song với những kết quả quan trọng bước đầu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện đang gặp phải một số thách thức. Đó là việc tích tụ được ruộng đất, tạo ra được quỹ đất đủ lớn để có điều kiện đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều khó khăn. Việc phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn tự phát với quy mô nhỏ lẻ; hạ tầng phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản còn hạn chế và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu công nghệ cao trong nông nghiệp còn khiêm tốn, một số tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất chủ yếu đang triển khai dưới hình thức mô hình trình diễn, việc nhân rộng còn hạn chế.

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa hiệu quả, chưa có nhiều các doanh nghiệp lớn đóng vai trò đầu tàu trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Trong những năm tới, cùng với các ngành kinh tế khác, ngành nông nghiệp sẽ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn; đồng thời, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức mới liên quan đến vị thế cạnh tranh, các vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trình độ công nghệ sản xuất...

Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển nông nghiệp bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; trong đó xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, là xu thế tất yếu của phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, cần thực hiện một số giải pháp.

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với năng lực của tỉnh và tạo ra sự đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 30%. Trong trồng trọt, nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm và ứng dụng rộng rãi giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết bất thuận cao; tập trung vào các đối tượng cây trồng có lợi thế; nghiên cứu sản xuất và từng bước sử dụng giống cây trồng biến đổi gen (ngô, đậu tương...); mở rộng nhanh cơ giới hóa các khâu sản xuất.

Trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ di truyền để chọn lọc giống, tạo giống chất lượng và bảo tồn nguồn gen; sản xuất giống mới có năng suất, chất lượng cao. Trong lâm nghiệp, nhân nhanh và sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp mới với quy mô công nghiệp, có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo sinh khối lớn bằng công nghệ mô, hom. Trong thủy sản, tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng công nghệ sinh sản đối với giống cua, ngao, cá bống bớp, tôm sú, tôm chân trắng, cá rô phi, cá lóc, cua đồng, cá biển...; từng bước chủ động sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Trong chế biến sau thu hoạch, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sau thu hoạch từ khâu bảo quản, sơ chế và chế biến các sản phẩm; từng bước hiện đại hóa hệ thống kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm chế biến theo công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

Hai là, tăng cường kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thông qua thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách của trung ương về khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường tính minh bạch trong cộng đồng kinh doanh; đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt chú trọng việc sử dụng có hiệu quả đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao hiện có. Đẩy nhanh việc kiện toàn các tổ chức khoa học và công nghệ. Thành lập Viện Nông nghiệp Thanh Hóa trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn là: Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Lâm nghiệp, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học – kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp, Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản, Đoàn quy hoạch Nông, lâm nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Viện Nông nghiệp Thanh Hóa có vai trò là trụ cột trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông và chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật đến người nông dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình tiên tiến, điển hình ứng dụng thành công khoa học công nghệ và có hiệu quả kinh tế cao, là địa điểm tin cậy để người nông dân, doanh nghiệp thăm quan, học tập. Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sáu là khuyến khích, tập trung, tích tụ ruộng đất với nhiều hình thức khác nhau như: chuyển nhượng, cho thuê lại, góp vốn bằng ruộng đất và liên kết với các doanh nghiệp; thông qua các giải pháp như tiếp tục rà soát quy hoạch, thực hiện dồn đổi ruộng đất, tạo thể chế, hàng lang pháp lý thuận lợi; huy động các nguồn lực khác nhau đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác để thực hiện tốt vai trò cầu nối trong dịch vụ sản xuất, kinh doanh và triển khai các cơ chế chích sách đến với doanh nghiệp và nhân dân.

Bảy là, tăng cường mối liên kết giữa 4 nhà nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông trong phát triển nông nghiệp cao. Chủ trương liên kết “4 nhà” nhằm gắn kết giữa sản xuất với nhu cầu tiêu thụ được xem là hướng đi đúng để phát triển nông nghiệp bền vững.

Để thắt chặt mối liên kết này, ngoài công tác tuyên truyền vận động nhân dân thì tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu cho ra những cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân, phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong liên kết. Tập chung chỉ đạo hình thành các chuỗi liên kết sản xuất một số sản phẩm chủ lực của tỉnh đó là, trong trồng trọt: lúa gạo, mía, sắn, cao su, rau quả, dược liệu; trong chăn nuôi: bò, lợn, gà; trong thủy sản: tôm, cá, ngao, trong lâm nghiệp: gỗ lớn, tre, luồng.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

Tác giả: Nguyễn Đức Quyền

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok