Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đã tác động và ảnh hưởng xấu đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị |
Trong 3 chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công thương, có 1 chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, 2 chỉ tiêu xuất khẩu, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 66.648 tỷ đồng, tăng 7,3% cùng kỳ. Trong đó, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu gặp khó, như: Lọc hóa dầu, may mặc, giày da, bia, thủy điện, tinh bột sắn… Một số dự án tiếp tục chậm tiến độ do ảnh hưởng về nguồn vốn,… Xuất khẩu đạt 1.559 triệu USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ. Nhiều sản phẩm xuất khẩu bị ảnh hưởng, đặc biệt là mặt hàng may mặc, giày da xuất đi Mỹ và các nước EU. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 51.152 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác tham mưu, triển khai các giải pháp của ngành Công Thương, sự tuân thủ nghiêm túc công tác chỉ đạo phòng chống dịch và nỗ lực của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại của tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng được khôi phục theo mức độ kiểm soát dịch bệnh và chỉ đạo dỡ bỏ cách ly, giãn cách xã hội của Chính phủ, hạn chế thấp nhất thiệt hại và phục vụ tốt đời sống nhân dân.
Ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa nhận định, theo đánh giá của ngành, dự báo 6 tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp và thương mại của tỉnh sẽ được phục hồi, do dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế. Một số mặt hàng sẽ tiêu thụ tốt hơn, nhất là các mặt hàng, như: Sản phẩm lọc hóa dầu, vật liệu xây dựng, thủy sản chế biến, phân bón, sữa, điện thương phẩm, dầu ăn… Tuy nhiên, để bù đắp sản lượng bị sụt giảm trong 6 tháng cuối năm, giữ mức tăng trưởng như kế hoạch đề ra là một nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã phát biểu, đề xuất tỉnh Thanh Hóa, các ngành, các cấp cùng quan tâm, tăng cường tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa |
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa thay mặt hơn 200 doanh nghiệp đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo, giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai và thực hiện các thủ tục hành chính thuận lợi, nhanh gọn, kịp thời. Đồng thời, chính quyền tỉnh cần có chính sách ưu đãi cao hơn trong vấn đề thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp ở các huyện miền núi; có cơ chế ưu đãi nguồn vốn và tạo cơ hội kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp…
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của ngành Công Thương, của các doanh nghiệp trong ngành đã cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động thích ứng với điều kiện sản xuất và thị trường, nhằm hạn chế mức độ thiệt hại do dịch bệnh. "Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn có những diễn biến khó lường, ngành Công Thương tiếp tục ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch, đồng thời bám sát tình hình sản xuất, linh hoạt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục sản xuất kinh doanh, phấn đấu thực hiện hiệu quả kế hoạch sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại năm 2020. Doanh nghiệp cũng cần chủ động theo dõi tình hình thị trường, năng động trong các giải pháp thích ứng, thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất, tiêu thụ với các hiệp hội ngành, các cấp chính quyền để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn hậu dịch", ông Liêm nhấn mạnh.
Tác giả: Kiều Phiên
Nguồn tin: enternews.vn