Trong tỉnh

Giao mỏ đá Spilit Hà Tân cho Công ty Mạnh Trang có bất thường?

Trong không khí Tết Tân Sửu cận kề, nhiều hộ dân tại thôn Nam Thôn 2, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa vẫn kêu cứu và chờ đợi để ổn định đời sống, sản xuất, mưu sinh.

Bốn lần đội đơn kêu cứu

Báo Đầu tư vừa nhận được đơn kêu cứu của ông Nguyễn Văn Ba, đại diện cho các hộ ông Nguyễn Văn Hài và Tống Văn Hà đều trú tại thôn Nam Thôn 2, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa về việc lấy đất trồng rừng đang được các hộ dân này quản lý, khai thác hợp pháp giao cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa đúng quy định, chưa có thỏa thuận gì với người dân.

Theo đơn của người dân, ngày 8/4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1247/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khai thác mỏ đá Spilit làm vật liệu xây dựng thông thường và Giấy phép khai thác khoáng sản số 80/GP-UBND ngày 29/5/2019 cho Công ty TNHH Mạnh Trang (Công ty Mạnh Trang) tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Trên thực tế, đây là các khu đất có diện tích khoảng 4,5 ha thuộc khoảnh 6, lô số 8, số 10, tờ bản đồ số 14 tại khu vực đồi Đá Chăn (thôn Nam Thôn, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) được Nhà nước giao cho các hộ dân để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng từ năm 2007, 2008.

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 27/9/1998 về mục tiêu, nhiệm vụ và chính sách tổ chức thực hiện dự án trồng mới 05 (năm) triệu ha rừng, Hợp đồng khoán hộ trồng chăm sóc rừng kế hoạch năm 2008 số 06 ngày 15/6/2008 theo Dự án 661 mà những người dân nói trên đã ký kết với đại diện chủ dự án có thời hạn là 50 năm, đồng nghĩa với việc đến thời điểm hiện tại hợp đồng này vẫn còn hiệu lực pháp lý.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Ba, đại diện các hộ dân nói trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác mỏ đá Spilit của Công ty Mạnh Trang mà không có bất kỳ thông báo hay quyết định thu hồi về đất đối với diện tích đất mà người dân đang canh tác và điều này không đúng với quy định của pháp luật hiện hành về việc thu hồi đất cho các dự án sản xuất - kinh doanh.

Trong khi đó, thời điểm các hộ dân này nhận đất, toàn bộ diện tích nói trên đều là đất trống, và tồn tại một ít cây hoang dại, họ đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để cải tạo đất, trồng và chăm sóc rừng, đến nay khu rừng đã được “phủ xanh” với hàng vạn cây Lát, Sở, Bạch đàn, keo chàm... đang khép tán.

“Chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu lần thứ 4 lên các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa, đề nghị được quan tâm giải quyết quyền lợi chính đáng theo khuôn khổ pháp luật, nhưng mọi việc vẫn chưa đi đến đâu và mới đây, ngày 12/12/2020, huyện Hà Trung còn tổ chức thực hiện kiểm kê đất đai, tài sản để giải phóng mặt bằng khu đất nói trên trong khi chủ đầu tư chưa hề có thỏa thuận gì với người dân”, ông Ba nói.

Ông Ba cũng cho biết, bản thân ông và các hộ gia đình liên quan không hề có ý định chống đối gì hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của xã, của huyện, chỉ mong muốn duy nhất là mọi việc làm đúng theo trình tự quy định của pháp luật và chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường hợp lý cho người dân.

Quyết định giao mỏ đã hết hiệu lực?

Trên thực tế, đối chiếu với quy định hiện hành, những thắc mắc, khiếu kiện của người dân liên quan đến quyết định giao dự án khai thác khoáng sản cho Công ty Mạnh Trang có nhiều vấn đề cần được các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa làm rõ.

Thứ nhất, Theo điểm đ, khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai 2013 về việc “Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” nêu rõ: Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm: Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản...”.

Quyết định số 1247/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khai thác mỏ đá Spilit cho Công ty Mạnh Trang khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường thì dự án này không thuộc danh mục chính quyền thu hồi đất mà chủ đầu tư phải thỏa thuận bồi thường với người dân.

Một thắc mắc rất quan trọng khác của người dân là tại Điều 3 Quyết định số 1247/QĐ-UBND ngày 8/4/2019 của UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên nêu rõ: “Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định này có hiệu lực, nếu Công ty TNHH Mạnh Trang không hoàn thành đầy đủ thủ tục về đầu tư xây dựng bảo vệ môi trường, sử dụng đất và ký quỹ đầu tư thì Quyết định này không còn giá trị pháp lý, công ty sẽ không được bồi thường, hỗ trợ bất kỳ khoản chi phí nào đã đầu tư liên quan đến dự án”.

Do đó, quyết định này đã không còn hiệu lực khi đã quá thời hạn gần 10 tháng.

Ông Nguyễn Văn Ba đang trình bày các văn bản liên quan.

Đồng thời, theo quy định tại điểm g Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014 thì “Dự án bị chấm dứt hoạt động: Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này”.

Như vậy, chỉ căn cứ 2 nội dung trên thì Dự án của Công ty Mạnh Trang không còn đủ điều kiện để tiếp tục triển khai.

Hồ sơ vụ việc cũng cho thấy nhiều vấn đề khác như dù Quyết định chấp thuận chủ trương dự án đã hết hiệu lực từ lâu nhưng một số cơ quan chức năng vẫn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc kiểm đếm, giải phóng mặt bằng khu đất, gây bức xúc cho người dân và có nguy cơ gây ra mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương, thậm chí có những quyết định khá vội vàng. Chẳng hạn, ngày 10/12/2020, Phó chủ tịch UBND huyện Hà Trung Nguyễn Xuân Dũng ký ban hành Quyết định số 5589/QĐ-UBND về việc kiểm đến bắt buộc khu đất trong diện giải phóng mặt bằng cho dự án trên, nhưng chỉ sau đó 4 ngày, ngày 14/12/2020, cũng chính ông Dũng lại ký Quyết định số 5655/QĐ-UBND về việc “thu hồi và hủy bỏ Quyết định 5589/QĐ-UBND…”!?

Cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Ba cho biết, kể từ ngày được chấp thuận chủ trương dự án khai thác đá tại xã Hà Tân, Công ty Mạnh Trang chưa một lần có cuộc gặp gỡ chính thức nào với các hộ dân để bàn bạc, thỏa thuận việc bồi thường.

Cần nhìn nhận thực tế là nếu đất rừng Nhà nước giao cho các hộ dân nói trên bị thu hồi giao cho đơn vị khác khai thác mỏ, mất đất sản xuất, các hộ dân này sẽ rất khó tìm kiếm, chuyển đổi công việc, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, nếu các quyết định chưa thấu tình đạt lý cũng có nguy cơ gây bất ổn tình hình trật tự xã hội trên địa bàn. Do đó, việc thu hồi đất rừng của các hộ dân để chuyển đổi mục đích sử dụng sang khai thác mỏ, nên xem xét ưu tiên cho doanh nghiệp địa phương nhằm góp phần tạo việc làm phục vụ đời sống cho người dân bản địa.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: “Chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉnh trang khu vực nông thôn theo hướng văn minh, xanh, sạch, đẹp, bảo tồn và giữ gìn văn hóa đặc trưng của các dân tộc, của khu vực nông thôn, của các địa phương. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo phát triển sinh kế, ổn định đời sống, tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Thúc đẩy chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp…”.

Với tinh thần nói trên, việc ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, nhất là các đối tượng chính sách cần được ưu tiên hàng đầu. Từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cụ thể hóa thành các quyết sách hành động đúng, rất mong các cấp chính quyền quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân thôn Nam Thôn 2, xã Hà Tân, huyện Hà Trung.

Chúng tôi luôn chấp hành chấp hành và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Tôi và các hộ dân liên quan luôn ý thức được việc chấp hành và thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không gây khó khăn, cấm cản việc Nhà nước thu hồi đất nếu đó là những quyết định đúng pháp luật. Tuy nhiên, ở đây chính quyền lại thu hồi đất của những hộ dân nghèo tại địa phương giao cho một doanh nghiệp tư nhân ở một nơi khác khai thác mỏ làm vật liệu thông thường.

Làm như thế người dân địa phương khi mất đất sản xuất tìm kiếm, chuyển đổi nghề như thế nào? Người dân làm gì để ổn định đời sống? Lấy nguồn thu nhập từ đâu để thoát nghèo và lấy tinh thần ở đâu để xây dựng nông thôn mới? Việc thu hồi đất rừng của các hộ dân để chuyển đổi mục đích sử dụng sang khai thác mỏ, nên xem xét ưu tiên cho doanh nghiệp địa phương, nhằm góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Ba

Tác giả: Trọng Đức

Nguồn tin: amp.baodautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok