Kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia
Để đảm bảo sự thành công của chương trình, công tác chỉ đạo và điều hành đã được đặt lên hàng đầu. Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó Bí thư Tỉnh ủy giữ vai trò Trưởng ban. Không chỉ dừng lại ở cấp tỉnh, các cấp huyện, xã cũng đồng thời thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể. Điều này đã tạo nên một cơ chế phối hợp chặt chẽ, thống nhất từ trên xuống dưới trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
![]() |
UBND thành phố Thanh Hóa , trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông (năm 2023). |
Song song với việc kiện toàn bộ máy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành một loạt văn bản chỉ đạo và hướng dẫn chi tiết nhằm định hướng triển khai chương trình. Các nghị quyết của HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh, cùng với các quyết định cụ thể về phân bổ vốn, cơ chế lồng ghép nguồn vốn, mức hỗ trợ phát triển sản xuất và quy định về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc thực hiện.
Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá được thực hiện một cách nghiêm túc và định kỳ, giúp kịp thời chấn chỉnh những nội dung chưa phù hợp. Hơn nữa, Ban Giám sát cộng đồng cũng được thành lập tại các huyện, xã có chương trình, dự án đầu tư, với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và người dân địa phương. Điều này đã phát huy vai trò làm chủ của người dân trong giám sát các dự án.
Xác định, nguồn lực tài chính là yếu tố sống còn cho mọi chương trình phát triển. Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương phân bổ cho Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 là 1.640.539 triệu đồng. Cụ thể, 1.249.507 triệu đồng được dành để hỗ trợ 6 huyện nghèo, trong khi 202.000 triệu đồng hỗ trợ 2 huyện Thường Xuân (cũ) và Bá Thước (cũ) trong lộ trình thoát nghèo… Đến thời điểm hiện tại, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển ước đạt 78,62%, cho thấy sự nỗ lực trong việc đưa vốn vào thực tiễn.
Bên cạnh vốn đầu tư, tổng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương đã phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2024 là 1.706.396 triệu đồng. Mặc dù có những tiến triển, kết quả giải ngân vốn sự nghiệp lũy kế đạt 49,10% kế hoạch vốn được giao, điều này đòi hỏi cần có những giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.
Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh cũng đã thành công trong việc huy động các nguồn lực hợp pháp khác, bao gồm Quỹ "Vì người nghèo" và sự đóng góp quý báu từ cộng đồng. Một điểm sáng là việc đã cấp đất, hỗ trợ xây dựng 182 nhà ở giúp đồng bào sinh sống trên sông tại địa bàn tỉnh có thể lên bờ ổn định cuộc sống.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể
Ông Nguyễn Văn Mười, 67 tuổi, vui vẻ chia sẻ: “Từ bé tôi đã sống ở xóm chài thuộc xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa (cũ), nay được nhà nước hỗ trợ xây nhà và cấp đất lên bờ sinh sống. Hiện tại, không còn cảnh lênh đênh sông nước, cuộc sống đã được ổn định, con cháu có cơ hội học hành phát triển hơn trong tương lai”.
![]() |
Cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Văn Mười đã đổi thay, phát triển hơn khi được cấp đất và hỗ trợ xây nhà. |
Đặc biệt, trong giai đoạn 2024-2025, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã huy động được hơn 420.000 triệu đồng, tiếp tục củng cố thêm nguồn lực để hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách.
Có mặt tại ngôi nhà khang trang đã gần hoàn thiện và đưa vào sử dụng của hộ bà Ngô Thị Lâm, thôn Tinh Hoa xã Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Văn Quang, trưởng thôn Tinh Hoa cho biết, gia đình bà Lâm thuộc diện hộ nghèo bản thân bà bị bệnh tâm thần, con trai lớn mắc bệnh không còn khả năng lao động, con trai thứ 2 công việc cũng khó khăn, căn nhà bà đang ở có nguy cơ bị sập.
"Qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chuẩn theo chương trình hỗ trợ xây nhà cho người nghèo gia đình bà đã được Mặt Trận Tổ Quốc huyện Hậu Lộc (cũ) trao tặng 100 triệu đồng, nguồn tiền có được từ nguồn xã hội hóa (chủ yếu từ chùa Sùng Nghiêm). Cùng với đóng góp của bà con lối xóm, người thân, bạn bè và số tiền của gia đình. Đến nay ngôi nhà đã cơ bản hoàn thiện, dự kiến trong tháng 7 này sẽ đưa vào sử dụng”, ông Quang nói.
![]() |
Sự trụ trì chùa Sùng Nghiêm cùng các lãnh đạo huyện , xã, thôn trao tiền hỗ trợ cho hộ bà Ngô Thị Lâm, thôn Tinh Hoa, xã Hậu Lộc. |
Những nỗ lực không ngừng nghỉ đã mang lại thành quả rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại Thanh Hóa đã giảm đáng kể. Nếu như đầu giai đoạn 2022-2025, tổng tỷ lệ nghèo đa chiều là 68,4% (32,88% hộ nghèo; 35,52% hộ cận nghèo), thì đến cuối năm 2024, con số này chỉ còn 33,77% (hộ nghèo 11,88%, hộ cận nghèo 21,89%). Đây là mức giảm ấn tượng 50,9% so với đầu năm 2022, thể hiện hiệu quả của các chính sách và dự án. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các huyện nghèo cũng có sự cải thiện vượt bậc, từ 30 triệu đồng cuối năm 2023 dự kiến đạt 48 triệu đồng vào cuối năm 2025, tăng hơn 1,8 lần so với năm 2020.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, chương trình giảm nghèo tại Thanh Hóa vẫn còn đối mặt với một số khó khăn cần khắc phục. Các thách thức bao gồm việc chậm ban hành hoặc thiếu đồng bộ trong văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, khó khăn trong việc xác định thẩm quyền phê duyệt dự án và bố trí vốn đối ứng 10% từ ngân sách tỉnh. Ngoài ra, thời gian chuẩn bị đầu tư các dự án còn dài và năng lực của đội ngũ cán bộ tham mưu đôi khi còn hạn chế. Một điểm đáng lưu ý khác là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đồng bằng, thị xã, thành phố chủ yếu là người không còn khả năng lao động hoặc đã có việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp, dẫn đến việc họ không có nhu cầu tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất truyền thống.
Trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục kiên định với các mục tiêu đã đề ra. Định hướng chính là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người nghèo. Song song đó, tỉnh sẽ đa dạng hóa nguồn vốn huy động, bố trí đủ vốn đối ứng và tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả tối ưu của chương trình. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành cũng là những ưu tiên hàng đầu, nhằm tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo.
Chương trình giảm nghèo bền vững tại Thanh Hóa đang đi đúng hướng, thể hiện quyết tâm của toàn tỉnh trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh, hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững hơn.
Tác giả: CTV Phương Giang
Nguồn tin: VOV.VN