Trong tỉnh

Người dân được hỗ trợ rớt nước mắt vì lợn giảm nghèo

Sau khi được nhận hỗ trợ lợn giống từ dự án giảm nghèo, con giống bỗng dưng ốm, chết, kéo theo cả đàn lợn nhà nuôi khiến nhiều hộ nghèo ở Thanh Hóa trắng tay.

Đã nghèo còn nghèo hơn

Sự việc xảy ra tại các xã Thọ Tiến, Thọ Bình, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Những ngày cuối năm 2023, gia đình ông Tống Đăng Khâm (SN 1972), thôn 5, xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) là một trong những hộ cận nghèo được nhận lợn giống từ dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ông Khâm cho biết, ngày 30/11/2023, xã phát cho ông một con lợn 30kg. Ban đầu, khi đưa về nhà thì con lợn có dấu hiệu mệt mỏi, ho, bỏ ăn và chết sau 4 ngày chưa kịp ấm chuồng. Lợn dự án chết đã đành, những ngày sau, 4 con lợn mẹ nhà nuôi lâu nay, mỗi con từ 150 đến 200kg có dấu hiệu lây bệnh với biểu hiện tương tự. 1 mẹ và đàn con của nó chết chỉ cách con lợn dự án khoảng 2 ngày.

Ông Khâm nhặt xác những con lợn con đã chết, trong khi con lợn mẹ đang ốm và bỏ ăn

Tại 2 dãy chuồng lợn nhà ông Khâm, 2 con lợn mẹ đều đang nuôi chừng 15-20 con nhỏ, 1 con đang chuẩn bị đẻ, con nào cũng nằm dặt dẹo, bỏ ăn. Ngay sau khi con lợn dự án chết, gia đình ông đã thông báo với xã và trại giống cũng đã cử thú y đến khám. Tuy nhiên, họ thông báo với gia đình, lợn không mắc bệnh dịch và không có khả năng lây lan.

Bà Hằng buồn bã vì mọi thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào đàn lợn có nguy cơ mất trắng


“Chúng tôi đã nhờ thú y đến tiêm thuốc, chỉ hy vọng có thể vớt vát được chút nào đó. Nhìn đàn lợn lần lượt chết, xót xa quá. Gia đình đã phải vay ngân hàng để gây giống đàn lợn, thu nhập từ việc bán lợn giống mỗi năm rơi vào khoảng 60 triệu đồng/năm. Nhờ đó, mới có tiền chữa bệnh cho chồng. Thu nhập trong năm của cả gia đình nằm ở đàn lợn, vậy mà giờ nguy cơ mất hết”, bà Lê Thị Hằng, vợ ông Khâm gạt nước mắt nói.

Trước đó, con lợn dự án đã chết và được đem đi chôn


Cách đó không xa là gia đình ông Vũ Văn Nghị (SN 1962), trú cùng thôn 5, xã Thọ Tiến. Ngôi nhà xác xơ chẳng có gì đáng giá, có người vợ lại đang phải nằm bệnh viện để chạy thận, gia cảnh nghèo túng nhất thôn.

Ông Nghị vốn hy vọng được nhận con lợn giống về nuôi, có chút vốn liếng, sang năm, lợn đẻ con có thể bán kiếm dăm triệu bạc để cho vợ chữa bệnh. Tuy nhiên, hy vọng vụt tắt chỉ sau 4 ngày, khi con lợn lăn đùng ra chết, để lại cái chuồng trống không. Giờ đây, ông lại phải loay hoay dọn dẹp, khử trùng chuồng trại.

“Đúng là niềm vui chẳng tày gang, thôi thì nghèo lại hoàn nghèo thôi”, ông Nghị giãi bày.

Ông Nghị nói "nghèo vẫn hoàn nghèo"


Còn ở thôn 1, xã Thọ Tiến, bà Lê Thị Linh (64 tuổi) đang ngày đêm chăm bẵm, hy vọng cứu sống con lợn dự án đang ho, ốm dặt dẹo. Mỗi đêm, bà thức dậy 3 lần để đốt lửa sưởi ấm cho lợn, lợn không ăn cám, bà mua cháo để pha cho nó ăn, nó vẫn lắc đầu khiến bà chán nản.

“Ăn đi con, bà chăm con còn hơn chăm cháu bà nữa đấy. Ăn mà sống, giúp bà thoát nghèo chứ”, bà Linh vừa vuốt ve, vừa nói chuyện với con lợn để nó ăn.

Bà Linh chăm bẵm con lợn dự án hơn chăm con, với hy vọng cứu sống con vật


Bà cho biết, bắt con lợn về hơn nửa tháng, khi nó có dấu hiệu ốm, thì con lợn mẹ hơn 100kg chuồng bên cạnh cũng ốm theo và lăn ra chết.

“Mất công, mất của, tôi sốt cả ruột. Con này là hy vọng cuối cùng, nếu không cứu được nó, thì tôi mất trắng, đúng là mất nhiều hơn được”, bà Linh nói.

Những câu trả lời còn bỏ ngỏ

Trao đổi với báo chí, ông Lê Ngọc Biên, Chủ tịch UBND xã Thọ Tiến, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) cho biết, sau khi nhận được thông tin từ các hộ dân, xã đã phối hợp với công ty cung cấp lợn giống (Công ty CO chăn nuôi và chuyển giao công nghệ huyện Yên Định) kiểm tra và tìm cách khắc phục.

Ông Biên lý giải, công ty đã lấy mẫu đem đi xét nghiệm, thì các mẫu âm tính với bệnh dịch. Lợn giống trước khi cung cấp cũng đã được tiêm phòng vắc xin dịch tả, tụ ấu, lở mồm long móng, nên đây không phải lợn bệnh.

“Lợn ốm và chết là do sau khi mang về nuôi, gặp thời tiết giá lạnh đột ngột, môi trường sống cũng khác so với lúc ở trại, nên lợn dễ sinh bệnh. Xã sẽ phối hợp với công ty có trách nhiệm khắc phục, đền bù cho các hộ bị thiệt hạ”, ông Biên nói, tuy nhiên chưa có phương án cụ thể.

Trên địa bàn xã Thọ Tiến có 68 hộ cận nghèo được hỗ trợ lợn từ dự án, nguồn vốn ngân sách hơn 400 triệu đồng, thời điểm trả lời PV, xã Thọ Tiến chưa có thống kê chính xác số lợn chết và đang ốm.

Ông Lê Đình Bình đang thất thần, mất hi vọng vì mất sinh kế


Tại thôn 5, xã Thọ Bình, ông Lê Đình Bình, hộ nghèo cũng nhận được con lợn dự án 30kg. Lúc đầu, nhìn con lợn trắng nõn, mập mạp, ông phấn khởi lắm, nhưng đưa về chuồng, con vật không chịu ăn, biểu hiện mệt mỏi, ho nhiều và lăn ra chết.

Sau đó ít ngày, đàn lợn của gia đình đang nuôi cũng bị lây bệnh với biểu hiện tương tự. “Thà con lợn dự án chết rồi thì thôi, nhưng đằng này lại mang bệnh cho cả đàn của gia đình. Đêm nằm không yên vì suy nghĩ, tiếc của, nuôi bao nhiêu tháng trời mới được con lợn, giờ thì mất trắng. Cho dù nhà nước có hỗ trợ nữa, thì cũng chẳng đáng là bao so với vốn liếng và công sức mà chúng tôi bỏ ra. Gia đình nghèo giờ lại nghèo thêm, không biết bám víu vào đâu”, ông Bình buồn bã nói.

Trả lời PV, bà Bùi Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Bình cho biết, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xã đã ký hợp đồng với Công ty Công ty CP chăn nuôi và chuyển giao công nghệ huyện Yên Định để cung cấp 99 con lợn giống cho bà con. Giá trị hợp đồng 480 triệu đồng.

Theo danh sách, có 99 hộ (gồm 46 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo) được nhận lợn giống, nhưng xã mới cấp lợn cho 48 hộ. Sau khi lợn có dấu hiệu bệnh, thì xã đã cho thu hồi và tiêu hủy toàn bộ 48 con lợn. Dự kiến, sau khi tình hình thời tiết thuận lợi, sẽ phối hợp với công ty cấp lại con giống cho toàn bộ 99 hộ.Với trường hợp những gia đình có lợn nhà bị lây bệnh và chết, chính quyền địa phương chưa có phương án cụ thể để hỗ trợ.

Lý giải nguyên nhân đàn lợn giống bị bệnh, bà Lê Thị Hạnh, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi và chuyển giao công nghệ huyện Yên Định cho rằng: “Công ty đã tập huấn cách chăm sóc lợn cho bà con, tuy nhiên, đa phần các hộ không thực hiện đúng. Chẳng hạn, việc nuôi lợn dự án phải cách ly, chế độ ăn uống, giữ ấm cho con vật các gia đình đều không đúng kỹ thuật. Việc thay đổi môi trường sống khiến lợn bị stress nên dễ ốm”.

Bà Hạnh cũng cam kết, công ty sẽ đền bù lại những con lợn dự án đã bị chết cho người dân, tuy nhiên câu trả lời với những đàn lợn bị lây bệnh của các hộ vẫn còn bỏ ngỏ.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là một chương trình có ý nghĩa quan trọng theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Chương trình đang được triển khai rộng khắp trên cả nước ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Nhờ chương trình này, hàng nghìn hộ dân nghèo đã được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, có phương tiện để thoát nghèo, có động lực vươn lên trong cuộc sống.

Tác giả: Lương Diễn

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: giảm nghèo , hộ nghèo , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok