Theo ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, qua theo dõi tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp có thể thấy khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra là rất lớn.
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa. |
Thống kê trước đó của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá, tính đến ngày 20/5, có khoảng 58.000 lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó có 17.300 lao động bị chấm dứt hợp đồng; 20.600 lao động bị ngưng việc; hơn 20.900 lao động bị giảm việc, giãn việc và nghỉ luân phiên.
Đến nay, toản tỉnh Thanh Hoá có 45 doanh nghiệp đã được ngành Bảo hiểm xã hội cho tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất. 45 doanh nghiệp này đã phải chấm dứt hợp đồng đối với trên 50% số lao động.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, như doanh nghiệp giày xuất khẩu, may mặc bị ảnh hưởng lớn nhất.
Tính đến ngày 20/5, có khoảng 58.000 lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. |
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ngay trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu ngành lao động đề xuất các giải pháp, báo cáo UBND tỉnh và Trung ương.
Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu ngành lao động tìm cách đưa các chuyên gia là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp lớn sang để có thể tổ chức sản xuất, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng.
Cùng với đó, một số ngành sản xuất truyền thống của tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục được duy trì như sản xuất vật liệu xây dựng và ngành xây dựng. Đặc biệt là kết quả huy động vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ đầu tư công.
“Trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất vẫn còn có những khó khăn nhất định. Khu vực dịch vụ, nhất là du lịch phải mất một thời gian nữa mới có thể trở lại hoạt động bình thường", ông Dũng cho biết. "Một số hoạt động xuất khẩu vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Một số nước đã mở cửa nhưng còn dè dặt, hạn chế”.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tỉnh phải đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp có thị trường nội địa. Đặc biệt, tỉnh phải đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công cho đến các dự án đã cấp phép đầu tư để sớm trở thành hiện thực.
|
Theo ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa, có hàng trăm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng không có doanh nghiệp dừng hoàn toàn các hoạt động.
Ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa, nhận xét, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đồng lòng trong việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của Chính phủ cũng như của tỉnh đã đề ra.
Theo ông Tẫn, bên cạnh phòng, chống dịch, tỉnh Thanh Hóa cũng tìm mọi giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thị trường xuất nhập khẩu…
Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết, tình hình khó khăn nhưng có nhiều doanh nghiệp rất linh hoạt, chủ động tìm thị trường mới để sản xuất được duy trì, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Theo thông tin của Liên đoàn lao động Thanh Hóa, có hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp dừng hoàn toàn các hoạt động.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí