Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ bị kéo dài nhiều năm khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Người dân mong mỏi cơ quan chức năng sớm kiểm kê, chi trả tiền giải phóng mặt bằng để sớm chuyển tới nơi ở mới an cư, lạc nghiệp.
Vướng mắc bao giờ mới được tháo gỡ
Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ từ cao trình +18,50m đến +20,36m được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt ngày 24/11/2017, tổng mức đầu tư là 290,903 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm tăng thêm khả năng tích nước của hồ 20,86 triệu m3, cắt giảm lũ, tránh gây ngập lụt cho vùng hạ du hồ Yên Mỹ và đảm bảo nguồn nước cấp cho hoạt động sản xuất của Khu kinh tế Nghi Sơn.
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân thuộc diện di dân tái định cư Dự án lòng hồ Yên Mỹ mòn mỏi chờ được đền bù đến nơi ở mới |
Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn 4 xã: Thanh Kỳ, Thanh Tân (huyện Như Thanh); xã Yên Mỹ (huyện Nông Cống) và xã Phú Sơn (thị xã Nghi Sơn). Dự án gồm 2 hợp phần: Hợp phần xây dựng: Đầu tư 16 tuyến đường giao thông nông thôn có chiều dài 16,152 km. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 16 tuyến đường giao thông nông thôn theo thiết kế, giá trị giải ngân 47,993 tỷ đồng; đã phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành ngày 10/12/2021.
Hợp phần giải phóng mặt bằng: Bồi thường, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho 922 hộ dân, với tổng diện tích bị ảnh hưởng là 273,78 ha, bao gồm: 887 hộ ổn định tại chỗ và 35 hộ tái định cư xen ghép (huyện Như Thanh 465 hộ, huyện Nông Cống 143 hộ, thị xã Nghi Sơn 314 hộ).
Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án, đến nay đã trích đo cắm mốc giải phóng mặt bằng và thực hiện kiểm kê bồi thường giải phóng mặt bằng cho 798 hộ dân bị ảnh hưởng, với diện tích 294,46 ha. Kế hoạch vốn đã giao 10,555 tỷ đồng, gồm 1,9 tỷ đồng năm 2018 và 8,655 tỷ đồng năm 2021. Kinh phí đã chuyển cho các huyện, thị xã là 2,091 tỷ đồng, các địa phương thực hiện 1,591 tỷ đồng (huyện Như Thanh 0,961 tỷ đồng; huyện Nông Cống 0,16 tỷ đồng; thị xã Nghi Sơn 0,47 tỷ đồng), số kinh phí 0,5 tỷ chưa thực hiện đã nộp lại ngân sách nhà nước theo quy định.
Gia đình nhiều thế hệ phải sống trong căn nhà sập xệ ở lòng hồ Yên Mỹ |
Báo cáo của chủ đầu tư dự án cho thấy, hiện dự án có một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện là: Dự án được phê duyệt năm 2017 với kinh phí giải phóng mặt bằng 216,156 tỷ đồng; sau hơn 5 năm triển khai, đơn giá đền bù dự kiến tăng khoảng 2,4-2,8 lần so với giá trị phê duyệt. Tuy nhiên việc bồi thường, hỗ trợ để ổn định cuộc sống cho các hộ dân vẫn chưa được bố trí đủ kinh phí thực hiện. Hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện chưa thể phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân vùng dự án.
Nhiều năm chờ được kiểm kê đền bù, các hộ gia đình phải đóng cửa để mưa sinh nơi đất khách |
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang chủ trì Hội nghị họp nghe phương án bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ để có giải pháp triển khai thực hiện dự án. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu ngành nông nghiệp cần nắm chắc tình hình giải phóng mặt bằng dự án, rà soát lại số liệu chính xác. Có phương án giải phóng mặt bằng ưu tiên nguồn lực cho việc di dân tại lòng hồ Yên Mỹ theo hướng xen ghép. Yêu cầu các địa phương cần báo cáo số liệu chính xác về tình hình giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn huyện mình.
Hàng trăm hộ dân chờ đợi đến bao giờ?
Theo chính quyền xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cho hay, lần kiểm kê gần nhất của cơ quan chức năng đã cách đây hơn 5 năm (2018), người dân thấp thỏm chờ đợi được bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư. Sau khi kiểm kê, việc bồi thường chưa thực hiện được, kéo dài đến nay khiến người dân vẫn mòn mỏi đợi chờ.
Ông Lê Minh Hạnh tranh thủ về thu hoạch mùa |
Ông Lê Duy Thoại (sinh năm 1961), một trong những hộ dân thuộc diện đang chờ đền bù cho biết: Gia đình ông có 9 khẩu với 3 thế hệ đã sống ở đây. Gia đình ông Thoại cũng như nhiều hộ dân khác ở Thanh Tân, những năm 1980 theo lời kêu gọi của nhà nước đã di dân từ Hoằng Hóa, Quảng Xương lên khu vực hồ Yên Mỹ khai hoang, lập nghiệp. Trong ngôi nhà lụp xụp, lợp mái tranh, ông Thoại không khỏi lo lắng: “Bắt đầu từ năm 1993, nhà nước có chủ trương vén dân khỏi khu vực ngập nước. Tới năm 2003 lại tiếp tục di dân do cao trình nước được tích cao hơn. Năm 2018, một lần nữa lại kiểm kê để di dời người dân. Chúng tôi luôn chấp hành các quy định, nhưng chờ đợi mãi đến nay vẫn chưa có kinh phí di dời. Mấy đứa con trai của tôi phải di tản đi nơi khác mưu sinh. Còn tôi với vợ sức tàn, lực kiệt ăn quẩn khu vực ngập nước này”.
Ông Lê Duy Thoại có 9 khẩu với 3 thế hệ đã sống trong căn nhà lụp xụp |
“Các anh thấy đấy, ngập nước mấy tháng trời có nuôi trồng được cây, con gì đâu. Khi nước dâng cao thì mấy hộ gần nhau lại phải hô hào di dời lên nhà văn hóa thôn để ở tạm, có nhà thì phải qua người quen. Nhưng ở nhờ vài hôm chứ cả tháng trời thì rất bất tiện, làm đảo lộn sinh hoạt của họ. Mình sống khổ quen rồi, không sao. Chúng tôi mong nhà nước sớm bố trí nguồn kinh phí để dân có tiền mua đất, làm nhà nơi ở mới, an cư mới lạc nghiệp được”.
Còn ông Lê Minh Hạnh (sinh năm 1974) không khỏi lo lắng: “Bao nhiêu lay lắt chờ đợi được hỗ trợ di dân, sống chung với nước lên xuống, nhà tôi buộc phải đi thuê lên khu vực chợ để buôn bán. Ngôi nhà này đành để hoang, chờ nhà nước bồi thường, hỗ trợ. Thi thoảng tôi lại xuống đây thu hoạch hoa màu, cây cối. Mình chẳng có học hành gì nhiều, sức lại yếu đành phải bới đất, nhặt cỏ kiếm sống qua ngày”.
Nước ngập khiến người dân sống ven lòng hồ Yên Mỹ không thể canh tác, sản xuất |
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Than Tân, huyện Như Thanh cho biết: “Trên địa bàn toàn xã có 133 hộ, 57,4 ha đất ở, canh tác bị ảnh hưởng bởi dự án di dân lòng hồ Yên Mỹ. Từ năm 2017 khi nhà nước có chủ trương thì các hộ không được xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà cửa. Quá trình làm hồ sơ cấp bìa đỏ cho các hộ cũng phải dừng lại. Do đó người dân không có điều kiện để vay vốn, phát triển sản xuất kinh doanh. Mỗi năm nước ngập từ cuối tháng 9 tới tháng 12. Chính vì vậy mà cây ngắn ngày như ngô, đậu, lạc, vừng sẽ bị chết. Người dân không dám trồng nữa vì mức hỗ trợ thấp. Một số hộ chuyển sang trồng keo, cây keo phải vươn nhanh khỏi mức nước ngập nên cứ khẳng khiu. Số còn lại bị nước ngập chết, người dân sẽ không được hỗ trợ do quy định chỉ được trồng cây hàng năm. Người dân đã kiến nghị nhiều lần xem nếu nhà nước tiếp tục triển khai dự án thì khẩn trương hỗ trợ, bồi thường cho dân đi nơi ở mới. Còn nếu không triển khai nữa thì làm các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân vay vốn phát triển, làm ăn".
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Cao Văn Cường cho biết: “Hiện nay Sở đang cùng với các địa phương rà soát, kiểm kê đất đai, hoa màu, các khu tái định cư để lên tổng thể phương án để bền bù cho các hộ dân. Do vật giá thay đổi, thời gian triển khai kéo dài nên số vốn bị đội lên để người dân đỡ bị thiệt thòi. Chúng tôi rất chia sẻ với khó khăn, bất cập của người dân dưới cao trình nước dâng. Cái khó nhất hiện nay vẫn là bố trí nguồn vốn để chi trả cho các hộ dân. Người dân mong muốn sớm an cư lạc nghiệp ở nơi ở mới là rất chính đáng, đồng thời bảo vệ sự an toàn của công trình hồ đập nhất là vào mùa mưa lũ".
Tác giả: Hoàng Minh
Nguồn tin: congthuong.vn