Trong tỉnh

Thanh Hóa đảm bảo an toàn các hồ, đập thủy lợi trước mùa mưa, lũ 2018

UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung thực hiện nhiều công việc cụ thể, nhằm chủ động ứng phó với tình hình mưa, lũ năm 2018.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường việc bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ, hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung thực hiện nhiều công việc cụ thể, nhằm chủ động ứng phó với tình hình mưa, lũ năm 2018.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền đã có chỉ đạo UBND các huyện, thị có hồ chứa nước, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc sông Mã thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm nguy cơ gây mất an toàn công trình, vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chức và bố trí thiết bị dự phòng, đảm bảo vận hành công trình trong mọi tình huống.

Theo đó, tỉnh yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được phê duyệt để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, nhằm đảm bảo vận hành an toàn công trình và vùng hạ du, lưu ý quy định cảnh báo sớm cho người dân ở hạ du khi xả lũ hồ chứa.

UBND các địa phương có hồ chứa, Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi cấp huyện, các tổ chức hợp tác dùng nước được giao quản lý, vận hành hồ chứa lập phương án phòng, chống lụt bão và phòng, chống ngập úng vùng hạ du cho từng công trình hồ chứa, trình UBND các địa phương thẩm định và triển khai nhằm đảm bảo an toàn công trình.

Đối với Công ty TNHH một thành viên Sông Chu, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc sông Mã rà soát, bổ sung phương án bảo vệ công trình, phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du hồ chứa, trình thẩm định.

Đối với các hồ chứa lớn có cửa van xả lũ phải thường xuyên quan trắc, tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành đập, hồ chứa chống lũ an toàn.

Cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 1 lần/ngày khi không có mưa lũ và 15 phút một lần với hồ chứa thuộc quy trình liên hồ, 3 lần/ngày với các hồ chứa thủy lợi khác khi có mưa lũ…

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho đập, hồ chứa và vùng hạ du công trình; tổ chức hướng dẫn, diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa xung yếu.

Sở tổ chức kiểm tra, kiểm định đánh giá an toàn công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn. Trên cơ sở đó, lập danh sách các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn để chỉ đạo xây dựng phương án chủ động bảo đảm an toàn cho cư dân vùng hạ du.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 600 công trình hồ chứa; trong đó có khoảng 121 công trình đang có nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, những hồ chứa còn lại, dù được đánh giá đảm bảo an toàn vẫn tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ, như hồ chứa nước Cửa Đạt, phát hiện 71 vết nứt bê tông bản mặt với tổng chiều dài là 130,65m; vị trí khe lún số 1 vẫn xuất hiện hiện tượng nhựa đường chảy với lượng nhỏ giọt…

Thực tế, việc quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nan giải nhất là nguồn cấp bù thủy lợi phí của các đơn vị hàng năm chưa đáp ứng được về số lượng.

Nguồn vốn dành cho sửa chữa, nâng cấp theo chương trình an toàn hồ chứa còn hạn chế và không được bố trí thường xuyên, nguồn cấp bù thủy lợi phí mới đáp ứng được việc quản lý, vận hành và sửa chữa các hư hỏng nhỏ, vì thế mỗi khi xảy ra sự cố nghiêm trọng thì khó tránh khỏi tình trạng mất an toàn…

Tác giả: Khiếu Tư

Nguồn tin: Báo TTXVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok