Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ tại huyện Vĩnh Lộc gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN |
Huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều núi đá vôi. Nơi đây là mỏ khai thác đá chủ yếu của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Do lợi thế nguyên liệu có sẵn tại địa phương, tại đây đã hình thành nghề sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động làng nghề đã bộc lộ những bất cập, từ những khó khăn của các cơ sở sản xuất đến vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến bụi đá, nước thải, tiếng ồn...
Hoạt động chính thức từ năm 2009 đến nay, Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ xã Vĩnh Minh (nay là xã Minh Tân) có diện tích gần 14 ha với gần 100 cơ sở sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động địa phương. Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa tập trung chủ yếu tại các xã Vĩnh Thịnh, Minh Tân, Vĩnh An… với nhiều cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, hoạt động ngay sát Quốc lộ 217 và trong các khu dân cư. Khoảng 10 năm trở lại đây, việc sản xuất, chế tác đá đã giúp người dân địa phương có thêm công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Nhưng bên cạnh đó, hoạt động của các làng nghề đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân sinh sống nơi đây.
Có mặt tại đầu đường Quốc lộ 217 đoạn tiếp giáp giữa xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lộc) và xã Hà Tiến (huyện Hà Trung) chúng tôi chứng kiến hàng chục chiếc xe tải, xe cẩu nối đuôi vào - ra khu vực mỏ núi đá Bền (xã Minh Tân) và các cơ sở chế tác đá. Mặc dù còn cách xa khu vực làng nghề, nhưng tiếng máy cắt, xẻ đá vang lên chát chúa bên tai, cùng với đó là bầu không khí mù mịt bởi bụi đá. Dọc 2 bên đường Quốc lộ 217 là hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ với những bãi đá ngổn ngang, những sản phẩm từ đá như: lăng mộ đá, lan can đá, linh vật đá, bảng biển, phù điêu, đá lát, đá xẻ… đã hoàn thành được bày biện trước cửa hàng làm cho tuyến đường Quốc lộ 217 vốn đã chật chội, đông đúc nay càng chật chội hơn...
Bên cạnh đó, mỗi ngày các cơ sở sản xuất đá thủ công mỹ nghệ tại đây thải ra môi trường hàng trăm mét khối nước thải, bột đá kèm theo khói bụi khiến cho hầu như toàn bộ nhà cửa, cây cối, vườn tược, đồng ruộng... xung quanh khu vực này đều phủ một màu trắng từ bụi đá. Hệ lụy từ ô nhiễm môi trường đã và đang gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân sinh sống tại xã Minh Tân, xã Vĩnh Thịnh và khu vực lân cận.
Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ tại huyện Vĩnh Lộc gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN |
Là người dân sống gần các cơ sở sản xuất đá, chị Đỗ Thị Hà (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc) cho biết: "Dân chúng tôi sống ở đây bụi bặm lắm, đã vậy còn ngày đêm sống chung với tiếng ồn từ máy cắt, máy xẻ. Ngày mưa còn đỡ, chứ ngày nắng thì bụi bặm vô cùng, các vật dụng trong nhà luôn phủ một lớp bụi bẩn, lau dọn không xuể được. Người dân chúng tôi sống chung với ô nhiễm đã nhiều năm nay, rất mong chính quyền có những phương án sớm giải quyết vấn đề này cho người dân bớt khổ".
Ông Trịnh Xuân Tiến (xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc) mong muốn: "Chúng tôi biết huyện đang cho xây cụm công nghiệp, nhân dân rất muốn chính quyền đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các xưởng sản xuất vào trong cụm, trả lại môi trường lành mạnh cho dân. Chúng tôi cũng mong nhà nước tạo điều kiện thủ tục, hồ sơ, vay vốn để các doanh nghiệp nhỏ phát triển trong thời gian tiếp theo".
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều năm qua tại xã Minh Tân và một số cơ sở sản xuất khác dọc Quốc lộ 217, UBND huyện Vĩnh Lộc và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất đá thủ công mỹ nghệ ký cam kết, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đến áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên về lâu dài, việc di dời làng nghề và các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư là yêu cầu hết sức cấp bách để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực dân sinh.
Hiện UBND huyện Vĩnh Lộc đang xúc tiến đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Minh Tân với diện tích 30 ha, tổng kinh phí đầu tư khoảng 250 tỷ đồng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều năm qua tại xã Minh Tân và Vĩnh Thịnh. Đồng thời xây dựng kế hoạch bố trí di chuyển gần 100 doanh nghiệp, cơ sở xuất đá mỹ nghệ tại các xã Minh Tân, xã Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh An vào Cụm công nghiệp làng nghề Minh Tân.
Nhiều khối lượng đá thải được đổ trực tiếp ra môi trường trong khu dân cư cùng với nước thải xả tràn ra đường, bụi và tiếng ồn ảnh hưởng người dân sống xung quanh. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN |
Ông Trịnh Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc khẳng định: “Trước mắt, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Minh Tân và các hộ sản xuất đá mỹ nghệ tại Làng nghề xã Minh Tân, xã Vĩnh Thịnh xây dựng hệ thống tường rào, lắp hệ thống cửa, hệ thống phun sương… để giảm bụi và tiếng ồn. Huyện cũng đang triển khai thi công xây dựng dự án xử lý nước thải tại Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ xã Vĩnh Minh (nay là xã Minh Tân) với tổng mức đầu tư 9,1 tỷ đồng. Thời gian tới sau khi hạ tầng khu công nghiệp được đầu tư, huyện sẽ di chuyển toàn bộ các cơ sở sản xuất dọc Quốc lộ 217 và các khu dân cư vào Cụm công nghiệp tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 217”.
Được biết, sau khi hạ tầng cụm công nghiệp được hoàn thành, trong quý I, quý II năm 2023, UBND huyện Vĩnh Lộc sẽ di chuyển toàn bộ các hộ sản xuất đá mỹ nghệ dọc tuyến QL217 và trong khu dân cư vào cụm công nghiệp tập trung để vừa đảm bảo môi trường vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Tác giả: Hoa Mai
Nguồn tin: Báo Tin tức