|
Ngày 16/5/2019, Chủ tịch UBND xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) ký, ban hành thông báo về việc chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Dân Lý, gửi đến các trưởng thôn, các hộ giết mổ, kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn xã .
Công văn của Chủ tịch UBND xã Dân Lý. |
Công văn nêu: “Căn cứ quyết định số 2958/QĐ – UBND, ngày 16/5/2019 của Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn về việc công bố dịch tả lợn châu Phi...Thực hiện theo công điện số 04/CĐ-UBND ngày 17/5/2019 về việc chống dịch tả lợn châu Phi...”
Theo đó, Chủ tịch UBND xã Dân Lý yêu cầu: Nghiêm cấm các hộ vận chuyển, kinh doanh, giết mổ và các hộ chế biến từ thịt lợn (trong địa bàn dân cư và chợ Thiều, xã Dân Lý) ra vào địa bàn của xã, thời gian bắt đầu từ ngày 16/5/2019. Nếu hộ nào vi phạm, UBND xã sẽ lập biên bản để thu hồi, tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật.
120 sạp hàng bán thịt lợn ở chợ Thiều trống trơn. |
Đối với hộ giết mổ lợn và hộ kinh doanh sản phẩm từ thịt lợn phải ngừng hoạt động kinh doanh giết mổ, buôn bán tại chợ Thiều và bán lẻ tại các thôn kể từ ngày 16/5/2019 cho đến khi hết dịch được công bố của UBND huyện. Nếu hộ nào vi phạm, UBND xã sẽ lập biên bản để thu hồi, tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật...”
Sáng nay (24/5), ghi nhận của phóng viên Báo GD&TĐ tại chợ Thiều, xã Dân Lý (Triệu Sơn), cho thấy; tất cả 120 sạp hàng buôn bán thịt lợn của chợ này đều trắng trơn.
Hàng trăm tiểu thương kinh doanh, buôn bán thịt lợn ở chợ Thiều đã đồng loạt phản ứng gay gắt trước việc Chủ tịch UBND xã Dân Lý ban hành thông báo nghiêm cấm buôn bán thịt lợn.
Nhiều người cho rằng; việc chính quyền địa phương và các ngành chức năng tập trung phòng, chống dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên địa bàn là đúng. Tuy nhiên, phòng chống dịch tả lợn châu Phi không phải là cấm hoàn toàn thịt lợn như đang xảy ra ở địa phương.
Cảnh đìu hiu ở tại khu vực kinh doanh thịt lợn ở chợ Thiều |
“Chúng tôi rất bức xúc trước việc chính quyền huyện Triệu Sơn chỉ đạo UBND xã cấm việc giết, mổ và kinh doanh thịt lợn cũng như các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Bởi lẽ, việc phòng, chống và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi không phải là như vậy.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi không may có đàn lợn bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy. Lực lượng kiểm dịch động vật phải có trách nhiệm làm tốt khâu kiểm dịch bệnh từ đàn lợn. Nếu phát hiện lợn bị bệnh, sẽ tiêu hủy và cấm không cho vận chuyển đi nơi khác...
Còn những con lợn nào không mắc bệnh thì phải cho người dân bán cho thương lái hoặc giết mổ, chế biến các loại sản phẩm để tiêu thụ, chứ tại sao lại cấm “tiệt” cả chợ không được ai buôn bán thịt lợn nữa?” – một tiểu thương bức xúc.
Cũng theo ý kiến của nhiều tiểu thương ở chợ Thiều, việc chính quyền địa phương cấm bán thịt lợn, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn ở chợ này đã diễn ra gần 10 ngày nay, khiến hàng trăm hộ kinh doanh mặt hàng này bị thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Nhiều tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở chợ Thiều phản ánh vụ việc. |
Ông Đoàn Quang Chinh – Quản lý chợ Thiều, cho biết: “Là người quản lý chợ, chúng tôi cũng đề nghị cấp trên có biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, việc cấm kinh doanh, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thì nên xem xét lại. Bởi lẽ, việc cấm như trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người chăn nuôi và các hộ giết mổ, kinh doanh buôn bán thịt lợn.
Các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát, kiểm dịch thật chặt chẽ. Nếu phát hiện lợn mắc bệnh, thì lập tức ngăn chặn không cho tiểu thương đưa vào chợ, mà buộc phải tiêu hủy, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn đối với lợn sạch, thì nên có cơ chế để cho người dân giết mổ, buôn bán bình thường”.
Cũng theo người quản lý chợ Thiều, việc chính quyền địa phương cấm toàn bộ tiểu thương giết mổ thịt lợn, buôn bán các sản phẩm chế biến từ thịt lợn đã gây ảnh hưởng đến kinh tế không chỉ riêng người kinh doanh, mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Tác giả: Hồng Đức
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại