Trong tỉnh

Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp tại Thanh Hóa

Ngày 16/5, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (NN&PTNT) cho biết, sau một thời gian lắng xuống, dịch tả lợn châu Phi lại tiếp tục bùng phát trở lại, lây lan nhanh chóng đến 14 huyện, thành phố.

Trước tình hình này, các cơ quan chức năng đang ra sức triển khai phòng chống, yêu cầu các địa phương không chủ quan, tăng cường các biện pháp để kiềm chế dịch lây lan. Theo thống kê đến nay, trên toàn địa bàn tỉnh có 345 hộ dân bị ảnh hưởng, 141 thôn, 71 xã, 14 huyện có dịch tả lợn châu Phi. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy tổng 5.988 con lợn với trọng lượng 378.442,4kg.

Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi lại bùng phát trở lại, lần này mức độ lan nhanh và rộng hơn, đặc biệt mới nhất và có số lượng lợn mắc dịch nhiều ở các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Nông Cống và TP Thanh Hóa.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy lợn mắc dịch tả Châu Phi

Ngày 13/5, UBND TP Thanh Hóa đã công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Quảng Cát. Ổ dịch xuất hiện tại 1 hộ dân thuộc thôn 9, có 5 con lợn nái và 60 con lợn con bị lây bệnh. Chính quyền thành phố cũng đã ráo riết triển khai các biện pháp dập dịch theo quy định để tránh lây lan và gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Đồng thời, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, các đầu mối trung chuyển cơ sở giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mặc dù huyện Thiệu Hóa đã triển khai các biện pháp khẩn cấp khoanh vùng dịch sau khi xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên thuộc địa bàn các xã, thị trấn. Đến ngày 11/3, trên địa bàn phát hiện thêm các ổ dịch mới tại 4 xã: Thiệu Long, Thiệu Công, Thiệu Tiến và Thiệu Trung. Tổng số lợn nhiễm bệnh và phải tiêu hủy ở các ổ dịch mới này là 134 con. Hiện nay, các biện pháp khoanh vùng dịch, phun tiêu độc, khử trùng vệ sinh chuồng trại và kiểm soát chặt chẽ các xe vận chuyển gia súc vào địa bàn đang được các lực lượng chức năng huyện Thiệu Hóa gấp rút triển khai. Huyện cũng đã yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của các chốt kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo các chốt hoạt động thường xuyên 24/24 giờ.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, tiêu độc khử trùng để đối phó với dịch tả lợn Châu Phi

Ghi nhận tại Quảng Xương, từ ngày 2/5 – 14/5, trên địa bàn đã có 12 xã công bố dịch tả lợn Châu Phi. Cho đến thời điểm hiện tại, huyện đã tiêu hủy tổng cộng 800 con lợn, tổng trọng lượng 56.241kg, thiệt hại kinh tế ước tính hơn 3,3 tỷ đồng. Ngày 25/2, UBND huyện đã có công điện khẩn về việc khiển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn trên địa bàn huyện. Trong một thời gian dài liên tục lấy mẫu kiểm tra nhưng không phát hiện lợn mắc bệnh, cho đến ngày 2/5, dịch tả lợn bắt đầu từ một con lợn đực ốm tại xã Quảng Thạch sau đó nhanh chóng lan rộng ra các xã khác.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tả lợn châu Phi, huyện Quảng Xương đã huy động mọi nguồn lực để triển khai các biện pháp ngăn chặn, khống chế, dập tắt dịch bệnh. Tại các xã có dịch, lực lượng chức năng đã lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại đầu ra, mỗi xã ít nhất 2 trạm kiểm soát, riêng xã Quảng Trung có 7 chốt kiểm dịch liên tục.

Trên cả nước, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con heo (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn heo của cả nước). Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan trên diện rộng của dịch tả lợn, ngày 13/5, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống dịch.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đến nay, lịch sử ngành chăn nuôi thế giới và Việt Nam chưa từng đối phó dịch bệnh nào nguy hiểm, phức tạp, tốn kém trong phòng chống đến như vậy.

Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao, bộ cũng đã xây dựng các kịch bản đối phó. Sau khi dịch bệnh xảy ra, đã áp dụng mọi biện pháp, từ văn bản pháp luật đến các khâu xử lý cụ thể. Tuy nhiên, điều trớ trêu là chưa có vắcxin điều trị. Hiện tại đã buộc phải tiêu hủy khoảng 1,2 triệu con lợn (chiếm 4% tổng đàn). Hiện nay nguy hiểm ở chỗ là tốc độ lây lan dịch rất nhanh.

Ngoài những việc đã làm được, phải nhìn nhận thực tế là có những địa phương, những khâu làm chưa tốt. Công tác chỉ đạo cũng cần siết lại, cùng với các nhóm giải pháp khác để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, sau này sẽ có thêm các biện pháp tái đàn khi dịch bệnh đi vào ổn định.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921, từ đó đến nay bệnh đã xuất hiện tại nhiều nước châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 1996 - 2019, bệnh đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia và đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đây là loại bệnh đặc chủng trên đàn heo, không lây bệnh cho động vật khác và không ảnh hưởng đến sức khỏe và lây bệnh sang con người. Các nhà chức trách khuyến cáo người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn, tuy nhiên, cần chú ý mua thịt lợn tại các địa chỉ uy tín, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, tuân theo các hướng dẫn bảo quản và chế biến an toàn để bảo vệ sức khỏe của gia đình.

Tác giả: Thanh Phương

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok