Đơn phản ánh của bà Khưởng, vợ của ông Phạm Văn Tích - bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa. |
Theo đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Khưởng, vào khoảng 10h sáng ngày 31/7 /2017, chồng bà là ông Phạm Văn Tích sau khi bị đau bụng dữ dội thì được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa. Tại bệnh viện, ông được nữ bác sĩ tên Phượng khám và chuẩn đoán bị đau thần kinh liên sườn, huyết áp cao và táo bón.
Sau khi khám,ông Tích được nhân viên y tế tiêm thuốc giảm đau. Đến sáng ngày 01/08 tiêm mũi giảm đau tiếp theo.
Khi hết thuốc giảm đau, chồng bà lên cơn đau bụng thì bác sĩ Phượng giải thích do bệnh nhân bị đau thần kinh liên sườn, phải có thời gian điều trị 2-3 ngày mới khỏi.
Sau đó, bệnh viện cho chuyển ông lên tầng 2 khoa đông y châm cứu, và gia đình cho ông Tích uống nhiều nước để chống bệnh táo bón.
"Đến khoảng 14h ngày 01/08 /2017, tôi thấy chồng đau bụng dữ dội hơn nên xin chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên cứ cho ông ăn khoai, uống nhiều nước vào sẽ đỡ dần. Trong lúc này, có nhân viên y tế cùng khoa còn chào mời tôi mua sữa để ông uống vào cho nhuận tràng. Có 2 loại sữa được chào bán, một loại bán giá 500.000đ/hộp, một loại giá 270.000đ /hộp" - Bà Khưởng phản ánh.
Cũng theo bà Khưởng, mặc dù bà xin chuyển viện và trình bày với nữ bác sĩ về tình trạng của chồng bà như: hai ngày qua ông không ăn được gì và yêu cầu được bác sĩ khám lại nhưng nữ bác sĩ vẫn khẳng định bệnh nhân chỉ mắc bệnh như chẩn đoán.
"Càng ngày bệnh tình của chồng tôi không giảm, sức khỏe yếu đi, và đau khắp vùng bụng. Bác sĩ lại khuyên xoa bóp bụng cho ông. Đây thực sự là sự vô trách nhiệm, vô cảm của người thầy thuốc" - bà Khưởng cho hay.
Do vẫn tiếp tục đau, tình hình sức khỏe diễn biến xấu, đến 15h ngày 01/08/ 2017, ông Tích được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ chuẩn đoán ông Tích bị thủng ruột, hoại tử trực tràng.
Sau đó, ông Tích được đưa lên khoa ngoại tầng 2 vào lúc 19h45 phút. Đến 23h thì mổ xong nhưng các bác sĩ cho biết tỷ lệ tử vong đối với ông Tích là 80% . Vào 11h20 phút ngày 02/08 ông Tích đã tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của bà Khưởng, Phóng viên Thời báo Doanh nhân đã đến tận nhà bà Khưởng. Bà Khưởng đứng bên bàn thờ ông Tích bức xúc: “Chồng tôi chết là do sự tắc trách của y bác sĩ bệnh viện huyệnThiệu Hóa bởi họ không chịu thăm khám kĩ ".
Bà Khưởng bên cạnh bàn thờ chồng. |
"Sau khi chồng tôi mất, đại diện Bệnh viện huyện có đến thắp hương và chia buồn với gia đình. Tuy nhiên, gia đình chúng tôi đã tới bệnh viện yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng tôi. Chúng tôi đã yêu cầu phía bệnh viện trả lời cho gia đình về vấn đề này bằng văn bản" - bà Khưởng cho hay.
Trước đó, Thời báo Doanh nhân cũng đã nhận được phản ánh của người dân về trường hợp tử vong "bất thường" khi điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa. Và nhiều người dân cho rằng, họ hết sức lo lắng mỗi khi có bệnh phải đi viện thăm khám, điều trị.
Cụ thể, đầu tháng 07/2017, vào ngày 04 /07 Tòa soạn nhận được thông tin phản ánh từ người dân về một trường hợp bệnh nhân Lê Thanh Hiền, 43 tuổi, trú tại đội 5, Kim Bôi, xã Đông Thanh, huyện Thiệu Hóa sau khi ăn bún xong thì có triệu chứng đau đầu, nôn nên đã đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa thăm khám. Sau khi được y tá chuyền xong thì bệnh nhân bị co giật tím tái rồi tử vong tại chỗ.
Sau 2 sự việc đáng tiếc xảy ra đối với hai bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa nêu trên, phóng viên Thời báo Doanh nhân đã liên lạc trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Lê Lâm - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa.
Ông Lâm xác nhận, ông Phạm Văn Tích, xã Thiệu Ngọc, Thiệu Hóa có đến nơi đây để điều trị. Và ông Lâm cũng cho biết thêm, anh Lê Thanh Hiền trú tại đội 5, Kim Bôi, xã Đông Thanh, huyện Thiệu Hóa đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyệnThiệu Hóa là do bị nhồi máu cơ tim.
Những thông tin cũng như lời giải thích của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa đối những sự việc nghiêm trọng xảy ra tại bệnh viện với phóng viên chưa có tính thuyết phục. Để người thân của bệnh nhân đã tử vong có câu trả lời thỏa đáng, để người dân đỡ phần lo lắng mà yên tâm điều trị khi có bệnh tại quê nhà, hạn chế tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến, rất mong nghành y tế và các cấp quản lý sớm xác minh làm rõ.
Tác giả: Văn Đương
Nguồn tin: Thời Báo Doanh nhân