Trong tỉnh

Thanh Hoá: 16 dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng đang chậm tiến độ

Thanh Hóa hiện có 23 dự án quy mô lớn đang triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 74.208 tỷ đồng, nhưng chỉ có 7 dự án bảo đảm tiến độ.

Chiều 13/12, tại kỳ họp thứ 24, các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án có quy mô lớn, trọng điểm còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra.

Phiên chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa Lê Minh Nghĩa.


Báo cáo về nội dung trên, ông Lê Minh Nghĩa - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 23 dự án quy mô lớn đang triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 74.208 tỷ đồng, trong đó, chỉ có 7 dự án bảo đảm tiến độ.

Đại biểu Đỗ Ngọc Duy - tổ đại biểu Nga Sơn đặt câu hỏi: Vì sao Dự án nhà máy xi măng Công Thanh chậm tiến độ và được gia hạn nhiều lần? Cùng nội dung này, đại biểu Lê Tiến Lam - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND đề nghị làm rõ: Dự án Nhà máy xi măng Công Thanh triển khai từ 2004, đến nay đã gia hạn 8 lần, cần xác định rõ chủ đầu tư có thật sự muốn làm hay không?

Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn về dự án Nhà máy xi măng Công Thanh.

Ông Lê Minh Nghĩa cho biết: Việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư liên quan tới quy mô, tổng mức đầu tư dự án hay thời gian thực hiện, thay đổi chủ đầu tư đã được quy định rất rõ ràng. Vì vậy, khi nhà đầu tư đề xuất nhu cầu điều chỉnh phù hợp thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện.

Giải trình thêm về nội dung này, ông Nguyễn Tiến Hiệu - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cho biết: Dự án này gia hạn lần đầu vào năm 2008, lần thứ 8 vào năm 2021. Ở lần gia hạn cuối cùng, có nguyên nhân do phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 của Chính phủ yêu cầu các công trình vật liệu xây dựng có công suất thấp, trang thiết bị chưa phù hợp thì phải khẩn trương đầu tư theo định hướng. Tuy nhiên, do điều chỉnh dự án vào năm 2021 khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhà đầu tư khó khăn về tài chính nên cũng không triển khai như dự định.

'Căn cứ quy định của pháp luật, Ban Quản lý kKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa đã thông báo và chấm dứt hết hiệu lực giấy phép chứng nhận đầu tư gia hạn gần nhất đối với dự án này', ông Hiệu nói.

Nhà máy xử lý rác Đông Nam hiện đã đầu tư xong nhưng chưa thể vận hành.



Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuý - tổ đại biểu huyện Như Xuân đặt câu hỏi về nguyên nhân khiến dự án xử lý rác thải xã Đông Nam (Đông Sơn); nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và dự án đốt rác tại phường Quảng Minh (TP Sầm Sơn) đều chậm tiến độ và giải pháp khắc phục là gì?

Về nội dung này, ông Lê Minh Nghĩa cho biết: Đối với 3 dự án này, UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, giao các ngành liên quan kiểm tra đôn đốc. Trong quá trình triển khai, các dự án chậm tiến độ do cần phải hoàn chỉnh nhiều loại hồ sơ theo yêu cầu của các bộ, ngành Trung ương. Đối với nhà máy xử lý rác tại xã Đông Nam, hiện đã đầu tư xong nhưng chưa đủ điều kiện vận hành.

Dự án đường nối KCN Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa hiện đang chậm tiến độ vì chưa xong GPMB. Ảnh: Phúc Tuấn

Đại biểu Hoàng Anh Tuấn - tổ đại biểu Hậu Lộc đặt câu hỏi: Trong 4 nhóm nguyên nhân dẫn tới dự án chậm tiến độ, GPMB là yếu tố chính yếu. Đặc biệt, khó khăn về xác định nguồn gốc đất, xây dựng khu tái định cư chậm là những nguyên nhân lặp lại ở nhiều dự án. Vậy, Sở KH-ĐT có giải pháp nào để GPMB không còn là điểm nghẽn trong thực hiện dự án?

Theo ông Nghĩa, công tác GPMB thuộc về trách nhiệm của các huyện, thị xã, thành phố. Ở nhiều dự án, các địa phương không thực triệt để, chỗ dễ làm trước, khó để lại sau nên có dự án 10 năm chưa hoàn thành GPMB và chậm tiến độ kéo dài.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa trả lời chất vấn.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, ông Nghĩa cho biết sẽ báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phải tổ chức GPMB gọn, triệt để, không để nhà đầu tư viện cớ kéo dài thời gian hoàn thành dự án vì chưa GPMB.

Ông Lại Thế Nguyên - Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Để khắc phục, giải quyết triệt để vấn đề này, các sở, ngành, các cấp chính quyền cần vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến rõ nét ngay trong năm 2025 để các dự án được tái khởi động, triển khai.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nêu các giải pháp để 'thúc' các dự án chậm tiến độ.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh phân công các Phó Chủ tịch và lãnh đạo các ngành trực tiếp theo dõi để tháo gỡ cho từng dự án cụ thể. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác GPMB đối với các dự án chậm tiến độ để phấn đấu đến năm 2025, phải có hướng tháo gỡ. Song song với đó, UBND tỉnh cần yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết bố trí vốn để chi trả GPMB, triển khai dự án theo tiến độ.

Tác giả: Anh Tuấn

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok