Trong tỉnh

Thanh Hóa chấm dứt chủ trương đầu tư, thu hồi dự án chậm tiến độ

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện đang triển khai nhiều dự án cụm công nghiệp, chỉ số ít hoàn thiện, còn đa phần đang chậm tiến độ.

Theo báo cáo của Sở Công thương Thanh Hóa, tính đến tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 46 cụm công nghiệp (CCN) do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, trong đó có CCN Hoàng Sơn, huyện Nông Cống đã thu hồi do chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện; 1 CCN đang dừng thực hiện do nằm trong phạm vi nghiên cứu Khu di tích lịch sử - văn hóa; 2 CCN đã hoàn thành đầu tư hạ tầng, đang thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào CCN là CCN thị trấn Vạn Hà và CCN Thái Thắng; còn lại 42 CCN đang thực hiện.

Đối với các CCN đang thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Một số CCN đã thành lập nhưng chưa có chỉ tiêu chuyển đổi đất lúa để bố trí thực hiện dự án; việc rà soát, thực hiện thủ tục đất đai của một số chủ đầu tư, huyện, ngành còn chậm, kéo dài, không xác định rõ diện tích đất phải chuyển đổi làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án; việc xác định giá đất làm cơ sở cấp quyền sử dụng đất của một số CCN chậm dẫn đến chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gặp khó khăn; một số UBND cấp huyện, chủ đầu tư còn chưa quyết liệt, tích cực phối hợp triển khai dự án.

Dự án Cụm công nghiệp Thượng Ninh, huyện Như Xuân đang ì ạch chậm tiến độ

Về vấn đề này, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung công tác GPMB, nếu gặp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, gửi văn bản báo cáo UBND tỉnh; định kỳ hằng tháng yêu cầu các địa phương gửi báo cáo tiến độ để Sở Công thương tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung giải quyết hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường…, hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục.

Đối với từng CCN tại từng địa phương, ông Liêm yêu cầu lãnh đạo ngành, địa phương báo cáo cụ thể vướng mắc để tháo gỡ, giải quyết; đồng thời, yêu cầu sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư trên tinh thần “5 - 5 - 3”: chủ đầu tư trình thủ tục gửi xin ý kiến cấp huyện giải quyết trong vòng 5 ngày; các thủ tục, vướng mắc gửi cấp sở, ngành cần giải quyết trong vòng 5 ngày và sở, ngành gửi xin ý kiến UBND tỉnh sẽ trả lời, giải quyết trong vòng 3 ngày làm việc.

Cụ thể, đối với công tác GPMB, ông Mai Xuân Liêm yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện các thủ tục liên quan đến bồi thường GPMB và bố trí tái định cư theo tiến độ của các CCN. Yêu cầu phải giao trách nhiệm cụ thể và các chủ đầu tư có cam kết rõ ràng về việc bố trí tài chính cho dự án.

Theo đó, sau khi các địa phương thực hiện xong việc kiểm kê, phê duyệt phương án GPMB, chậm nhất 7 ngày chủ đầu tư phải chuyển tiền để thực hiện chi trả theo đúng tiến độ. UBND tỉnh sẽ kiên quyết chấm dứt đối với nhà đầu tư chây ỳ, không tích cực triển khai dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp thực hiện đối với từng nhóm CCN.

Ông Liêm cũng giao các địa phương, trên cơ sở quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện rà soát lại tiến độ các CCN; đánh giá rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để có phương án giải quyết. Các chủ đầu tư có CCN chậm tiến độ, nếu việc chậm tiến độ là do nguyên nhân khách quan thì lập hồ sơ theo quy định, trình UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh tiến độ.

“Với một số dự án, nếu chủ đầu tư không quyết tâm triển khai thì giao các ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh chấm dứt chủ trương đầu tư, thu hồi dự án”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm khẳng định.

Tác giả: Lương Diễn

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok