|
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có thống kê kết quả rà soát các công trình thủy lợi trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 2.524 công trình thủy lợi đầu mối, trong đó có 610 hồ chứa, 1.023 đập dâng, 891 trạm bơm.
Hệ thống hạ tầng thủy lợi đã và đang phục vụ tưới, tiêu ổn định cho 310.000 ha đất gieo trồng cây hàng năm. Nhiều năm qua, việc quản lý và vận hành các công trình thủy lợi đều được các đơn vị, địa phương thực hiện tốt, cơ bản bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đa phần công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều đã được xây dựng lâu năm, không đồng bộ, việc đại tu, sửa chữa lại hạn chế nên nhiều công trình đã xuống cấp, ảnh hưởng đến việc vận hành và cấp nước tưới tiêu cho người dân các địa phương.
Hồ thủy lợi Hao Hao ở TX.Nghi Sơn bị xuống cấp trước mùa mưa lũ 2014. |
Toàn tỉnh có 1.286 công trình thủy lợi (173 hồ chứa, 106 đập dâng, 276 trạm bơm, 609 kênh tưới tiêu, 56 cống tưới tiêu, 66 công trình khác) xuống cấp, hư hỏng. Đặc biệt, có 86 hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ 2024.
Một số địa phương có công trình thủy lợi mất an toàn như huyện: Thạch Thành, Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Như Thanh, Triệu Sơn, Như Xuân, Hà Trung, Ba Thước, Thường Xuân, Nông Cống, TX.Nghi Sơn... Các công trình này vẫn chưa được tu sửa vì chưa có vốn.
Tại huyện Thường Xuân có 52 công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng trước mùa mưa lũ, trong đó có 9 hồ chứa nước, 10 đập, 33 kênh tưới.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Thanh Hoá cho biết, năm 2024, qua rà soát đánh giá có 86 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ.
Có 36 hồ đã được Sở NN&PTNT, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa. Còn lại 50 hồ sẽ tiếp tục rà soát, bố trí vốn khi có nguồn.
Một hồ thủy lợi ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đang gấp rút sửa chữa trước mùa mưa lũ. |
Theo ông Nam, phần lớn các đập, hồ chứa đều xây dựng từ lâu, bằng thủ công hoặc theo tiêu chuẩn cũ, không phù hợp và đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành. Do không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nên bị xuống cấp, mất an toàn.
Từ năm 2020 trở lại đây, bão lũ tại địa phương đang ở mức vừa phải, nhờ làm tốt công tác kiểm tra, rà soát và xử lý nên chưa có sự cố vỡ hồ đập nào xảy ra. Trước đây có xảy ra việc vỡ một số hồ đập nhỏ nhưng không gây hậu quả lớn.
Nhằm hạn chế tránh không để sự cố đáng tiếc xảy ra, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát và xử lý theo phương châm ưu tiên tại chỗ.
Đồng thời, lập phương án ứng phó khẩn cấp cho từng hồ, dự báo các tình huống bất lợi, nguy hiểm có thể xảy ra khi mưa lũ lớn.
Sở NN&PTNT cùng với Sở Tài chính sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp các hồ đập mất an toàn.
Tác giả: Phạm Xuân Chinh
Nguồn tin: nguoiduatin.vn