Hệ thống đường ống dẫn nước bằng sắt trên cao bỏ hoang 7 năm nay - Ảnh: K.Hoan
Năm 2007, hệ thống kênh dẫn nước tưới ở xã Thanh Đức, H.Thanh Chương, Nghệ An được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 1,4 tỉ đồng từ chương trình 135 do UBND H.Thanh Chương làm chủ đầu tư. Công trình gồm 2 tổ máy bơm để bơm nước từ khe suối lên đổ vào hệ thống đường ống, được thiết kế bằng ống thép dài 596m, chạy vòng qua cánh đồng Cây Mãn... Theo thiết kế, hệ thống thủy lợi này sẽ tưới cho 50 ha đất nông nghiệp của xã và được ví như một “con rồng sắt” phun nước.
Tuy nhiên, công trình này chỉ vận hành chưa đầy 1 năm trong tình trạng lúc hoạt động, lúc không rồi nằm “đắp chiếu” từ đó đến nay. Ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức cho biết, theo thiết kế, công trình này sẽ phục vụ nước tưới cho đất lúa và hoa màu của xã. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 năm công trình hoàn thành thì lúa và hoa màu năng suất kém, nên người dân chuyển sang trồng chè công nghiệp. Do hệ thống thủy lợi này không phù hợp với cánh đồng chè và thiếu nguồn nước nên phải ngưng hoạt động. “Lỗi này thuộc trách nhiệm của đơn vị thực hiện vì họ không khảo sát kỹ nhu cầu chuyển đổi cây trồng của người dân”, ông Vĩnh lý giải.
Theo người dân ở đây, nếu dân không chuyển sang trồng chè thì hệ thống thủy lợi này cũng không thể hoạt động được vì nguồn nước khe Trảy rất ít, thậm chí thường xuyên bị khô cạn, không thể đủ nước để bơm tưới. Ông Vĩnh cũng thừa nhận, thời điểm khảo sát, khe này khá nhiều nước, tuy nhiên, khi làm xong thì nước khe ngày càng cạn do người dân chặn dòng ở phía trên để lấy nước cho các trang trại gia đình. Năm 2013, công trình bỏ hoang lãng phí khiến dân kêu quá nhiều, Sở NN-PTNT Nghệ An đề nghị UBND H.Thanh Chương hướng dẫn người dân sử dụng hệ thống thủy lợi này để tưới chè, tuy nhiên do nguồn nước không có nên trạm bơm không thể hoạt động.
Sau 7 năm bỏ hoang, trạm bơm đã hoen rỉ, hệ thống đường ống cũng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Ông Vĩnh cho hay, thấy “xót của”, xã đã nhiều lần đề nghị huyện có phương án xử lý hệ thống thủy lợi này, có thể di dời đường ống để lắp đặt cho địa phương khác đang có nhu cầu, vì để như vậy vừa lãng phí, vừa gây cản trở cho sản xuất của người dân. Tuy nhiên, đến nay, do chưa có nơi nào cần hệ thống “rồng sắt” này, nên nó vẫn bị bỏ không.
Tác giả bài viết: K.Hoan