Ngược lại, với tàu vỏ thép, một số tàu gặp sự cố cần tháo gỡ, khắc phục dứt điểm.
Nhiều tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 phát huy hiệu quả khá tốt |
Điển hình là tàu của gia đình ông Nguyễn Văn Nhung (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa), từ khi hạ thủy đến nay hoạt động không tốt, chuyến được chuyến mất. Dịp sát Tết Nguyên Đán, việc hệ thống tời trở chứng khiến gia đình ông thất thu nặng, đáng nói đến lúc này tình hình vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Thu không đủ bù chi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cố tình thoái thác nghĩa vụ, trách nhiệm của một số chủ tàu. Hiện phía Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, đơn vị trực tiếp tiến hành cho ngư dân vay vốn, triển khai đóng mới 38/58 tàu theo Nghị định 67 (15 tàu dịch vụ vỏ gỗ, 6 tàu khai thác vỏ thép và 17 tàu khai thác vỏ gỗ) đang rất bất an về vấn đề này. Tính đến 30/4/2018 mới có 16 chủ tàu trả nợ đầy đủ, 8 trường hợp khác chi trả một phần, 3 trường hợp không trả được nợ. Có đến 11 chủ phương tiện không hoàn trả đầy đủ nợ gốc, lãi buộc ngân hàng phải cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ.
Lý giải về vấn đề trên, phía ngân hàng nêu ra 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là kiến thức vận hành của ngư dân còn hạn chế, do chưa nắm bắt được các định mức kỹ thuật của tàu vỏ thép nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác. Thứ hai, sự cố tàu cá tại Bình Định đã gây ra phản ứng dây chuyền tiêu cực, một số chủ tàu phát sinh tư tưởng ỷ lại vào chính sách. Thứ ba, chủ phương tiện báo cáo kết quả khai thác không trung thực, cố tình giấu sản lượng khai thác thực tế nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm trả nợ và trục lợi chính sách.
Còn một số chủ tàu vẫn cố tình chây ỳ trả nợ ngân hàng |
Bàn về giải pháp trong thời gian tới, bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định, các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng đã ký.
“Các ngân hàng thương mại phải phối hợp, đấu mối chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường theo dõi tình hình hoạt động khai thác, đôn đốc chủ tàu trả nợ vốn vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, nhất là các tàu cá vỏ thép. Về phía chủ phương tiện, phải tổ chức sản xuất theo mô hình “tổ đoàn kết” sản xuất trên biển, chủ động tìm kiếm, mở rộng ngư trường mới xuống vùng biển Trung Bộ, Đông Nam Bộ cũng như tham gia các đội tàu, nghiệp đoàn khai thác hải sản để hỗ trợ lẫn nhau”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, tính đến 5/6/2018 ngư dân trên địa bàn đã đóng mới 58 tàu (17 tàu dịch vụ hậu cần và 41 tàu khai thác, trong đó có 23 tàu vỏ thép, 35 tàu vỏ gỗ). Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với với tổng số tiền cam kết cho vay là 653,3 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 652 tỷ đồng. Có 1.676 lượt tàu cá tiến hành mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ; 12.823 lượt thuyền viên mua bảo hiểm tai nạn. Ngoài ra các đơn vị chức năng đã hỗ trợ trên 24 tỷ đồng/571 chuyến biển đối với các tàu dịch vụ hậu cần, hỗ trợ đào tạo cho 455 thuyền viên cách thức vận hành tàu cá… |
Tác giả: VIỆT KHÁNH
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam