Số hóa

Sống chung với 'tường lửa' ở Trung Quốc

Người dân tại Trung Quốc đã làm quen và biết cách để "sống chung" với hệ thống Internet bị kiểm duyệt gắt gao trong nước.

Theo Reuters, Great Firewall của Trung Quốc là nỗ lực mạnh mẽ nhất thế giới nhằm kiểm soát không gian ảo và nó đang ngày một trở nên "trầm trọng" hơn dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các nhà chức trách nước này gần đây đã đóng cửa hàng loạt trang web video và âm nhạc trực tuyến, hạn chế truy cập vào các chương trình truyền hình nước ngoài hoặc có nội dung về nước ngoài, tăng cường hình phạt cho tội "lan truyền tin đồn" qua các phương tiện truyền thông xã hội cũng như hạn chế truy cập vào các mạng riêng ảo (VPN).

Những biện pháp này nhanh chóng mang lại những bất tiện cho người dùng Internet tại Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến cho rằng việc quản lý Internet chặt chẽ là điều cần thiết, phần còn lại đang bình tĩnh tìm cách giải quyết. Qua nhiều năm sống dưới sự quản lý và hạn chế gắt gao của chính quyền, hầu hết mọi người đã tự tìm ra những cách riêng để tiếp cận với các thông tin quốc tế mà mình muốn.

Wang Siyue, một chuyên gia sản phẩm tại một công ty giáo dục trực tuyến cho biết: "Tôi chắc chắn những hạn chế này sẽ tồn tại trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài họ không thể ngăn chặn sự phát triển của ngành công nghiệp này trong nước. Tôi tin rằng sẽ có nhiều công ty internet hơn nữa cùng các cơ hội khởi nghiệp".

"Đối với thanh niên hiện đại ở Trung Quốc hiện nay, các kênh thông tin của chúng tôi rất rộng. Với việc sử dụng mạng riêng ảo (VPN) hoặc nhiều phương tiện khác, chúng tôi vẫn có thể tiếp xúc với tin tức nước ngoài", Zhang Weixuan, trợ lý thư ký tại một công ty phần mềm nói. "Đối với tôi, việc cấm VPN sẽ không có tác động lớn. Nhưng có lẽ tại các thành phố cấp hai và ba, những người trẻ tuổi chưa bao giờ ra nước ngoài hoặc tiếng Anh của họ không tốt có thể bị ảnh hưởng bởi việc tuyên truyền".

Còn Fu Shiwei, một trợ lý giảng viên đại học lại có cái nhìn khá tích cực: "Sinh viên của tôi rất am hiểu về công nghệ nên họ giúp tôi giải quyết những vấn đề như tra cứu thông tin học thuật hoặc cập nhật các sự kiện trên toàn cầu. Tôi nghĩ nó ổn thôi. Chính phủ giữ mọi thứ trật tự, vì vậy tôi không có bất kỳ ý kiến gì về chính phủ".

"Cá nhân tôi nghĩ rằng Internet là một nền tảng rất cởi mở và một số chiến lược giám sát là rất cần thiết. Cái tôi đang quan tâm là những thứ như tấn công khủng bố", Zuo Aining, nhân viên một công ty liên kết rủi ro tín dụng cao cấp có trụ sở tại Washington (Mỹ) nói. "Có lẽ nếu sử dụng tốt hơn các hệ thống để giám sát Internet, nó sẽ mang lại tác động tích cực trong việc bảo vệ an ninh quốc gia".

Qui Lijuan, một chuyên gia tư vấn quản lý tài sản cao cấp cũng bày tỏ quan điểm: "Nếu muốn biết một số tin tức, tôi thường chỉ cần hỏi bạn bè ở nước ngoài. Tôi có rất nhiều bạn đang học và làm việc ở nước ngoài".

Để đáp ứng nhu cầu "vượt tường lửa" của hàng triệu người, rất nhiều công ty đã phát triển các ứng dụng và phần mềm để giải quyết vấn đề này. Nó được coi là một cơ hội kinh doanh với lượng khách hàng đông đảo bao gồm người dân trong nước muốn vượt tường lửa ra ngoài lẫn những người dùng ở nước ngoài muốn có một địa chỉ IP ở Trung Quốc.

Transocks, được phát triển bởi Chengdu Fobwifi Networks Technology, là một trong những ứng dụng như vậy. Nó cung cấp dịch vụ "trở lại Trung Quốc" miễn phí đính kèm quảng cáo. Hoặc người dùng có thể trả từ 1 USD 15 USD để không phải thấy quảng cáo trong 7 tới 180 ngày.

N2ping là một ứng dụng tương tự được phát triển bởi một công ty công nghệ ở Trịnh Châu. Nó cung cấp một bản dùng thử miễn phí trong 24 giờ và tính phí 135 USD cho thời hạn 1 năm. Với kết nối 10 Mb/giây, nó thậm chí cho phép người dùng ở nước ngoài chơi game trên các máy chủ ở Trung Quốc mà không sợ bị giật lag.

Susan Ma, đã sống ở Hong Kong gần 10 năm nay và cần một địa chỉ IP ở đại lục để có thể xem các chương trình giải trí hàng ngày như phim và thể thao.

"Tôi là một fan bóng đá, nhưng các đài truyền hình Hong Kong tính phí rất đắt cho các gói dịch vụ. Vì vậy, tôi đã tìm kiếm cách để 'trở về đất liền' nơi có các chương trình miễn phí và luôn được cập nhật", cô chia sẻ với South China Morning Post.

Trong những năm gần đây, nhiều ứng dụng di động ở Trung Quốc đã bỏ tiền mua quyền phát sóng các giải đấu thể thao phổ biến để mở rộng lượng người dùng. Điển hình là Tencent Video, được hỗ trợ bởi công ty công nghệ khổng lồ Tencent đã mua quyền phát sóng trực tuyến sự kiện Olympics 2016 cùng một số giải bóng đá châu Âu nổi tiếng.

Tuy nhiên, các ứng dụng như Transocks và N2ping không có sẵn trên cửa hàng ứng dụng của Apple bởi Trung Quốc đã gây áp lực khiến công ty Mỹ dỡ bỏ các phần mềm VPN này hồi tháng 7. Do đó, người dùng iPhone, iPad gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vượt tường lửa so với người sở hữu các thiết bị Android.

Minh họa cách thức hoạt động của Great Firewall và phần mềm VPN tại Trung Quốc.

Một luật sư ở Thượng Hải, người yêu cầu được giấu tên cho biết việc phát triển phần mềm VPN không phải là bất hợp pháp. Nhưng ông cũng nói thêm rằng bất cứ ai sử dụng phần mềm như vậy ở Trung Quốc cũng có thể bị xem là vi phạm.

"Tất nhiên, các quy tắc của Trung Quốc không áp dụng cho người sử dụng ở nước ngoài. Miễn là luật địa phương cho phép họ sử dụng ứng dụng này ở các quốc gia tương ứng thì sẽ không có vấn đề gì", luật sư cho biết.

Great Firewall còn được gọi là“Tường lửa vĩ đại” hay “Vạn Lý Trường Thành trên mạng” của Trung Quốc. Nó là thuật ngữ nói đến dự án Golden Shield, một công cụ giúp chính phủ nước này kiểm soát và ngăn chặn công dân kết nối với các trang web và dịch vụ Internet nước ngoài.

Tác giả: Mai Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: sống chung , Luật sư , trung quốc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok