Theo chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến nay việc xử lý khẩn cấp và gia cố các điểm đê xung yếu bị hư hỏng đã được các địa phương thực hiện xong. Đối với các điểm đê đã được xử lý khẩn cấp, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương cắt cử lực lượng ứng trực 24/24h trong ngày để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố đê điều mới. Công tác tuần tra, canh gác tại tất cả các tuyến đê trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện thường xuyên, để chủ động ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Người dân Thọ Xuân vẫn chưa hết bàng hoàng về các tuyến đê "thất thủ" do mưa lũ |
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều 09/10 đến ngày 11/10/2017, trên địa bàn huyện Thọ Xuân xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng tại nhiều xã, thị trấn trong huyện. Lượng nước từ thượng nguồn đã đổ về hạ lưu sông Chu, sông Cầu Chày rất lớn, gây nên một số sự cố trên các tuyến đê sông Chu, sông Cầu Chày, sông Hoàng, Sông Tiêu Thủy và gây ngập úng, cộ lập nhiều xã. Toàn huyện có 43 sự cố đê điều.
Thủng đê tại cống Quang Hoa, phải đẩy cả máy múc xuống chặn dòng chảy |
Cho tới lúc này, người dân Thọ Xuân vẫn chưa hết bàng hoàng khi thủng đê tại cống Quang Hoa. Bà Lê Thị Thu ở Xuân Minh nhớ lại: “Hàng trăm người dân vội vã chạy lên đê để xử lý đê thủng. Nước chảy ầm ầm vào cánh đồng, lan nhanh tới bao vây các khu dân cư. Nếu vỡ đê thì nhà chúng tôi sẽ chìm trong biển nước không biết phải di tản đi đâu. Rất may lãnh đạo tỉnh lên chỉ đạo đẩy máy múc xuống chặn lại, chứ không chẳng biết thế nào. Giờ mong sao các cấp quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đê này cho người dân yên tâm sinh sống”.
Sau lũ, cơ quan chức năng đã kiểm tra, rà soát, tại tuyến đê hữu sông Chu xảy ra sạt mái đê phía sông tại xã Thọ Hải. Sạt bãi Hạnh Phúc (tiếp tục sạt thêm), đang tiếp tục theo dõi sạt tiếp 10-15m tại bãi sông dài 207m; Sạt mái tiêu năng Cống Tiêu Thủy Thọ Xuân; bờ tả dài 17,5m, sâu 1m, bờ hữu dài 15,4m, sâu 1-1,5m; hiện tại cống nước tiêu rất lớn nên mái tiêu năng cống vẫn tiếp tục sạt. Sạt bãi bảo vệ khu dân cư xã Xuân Hòa dài 450m.
Tuyến đê tả sông Chu, nứt, sạt mái đê phía sông tại xã Thọ Trường: sạt 87m, vết nứt mái đê rộng 5cm, sâu từ 0.25-1m. Sạt mái đê phía sông xã Thọ Minh, chiều dài cung sạt: 105m. Sạt mái đê xã Thọ Lập dài 50m, lỗ rò mái đê phía sông đã xử lý kịp thời.
Tuyến đê sông Tiêu Thủy tràn cục bộ 6 đoạn đê tả xã Xuân Giang, Xuân Trường. Đê sông Câu Chày, nước sông lên cao cách mặt đê 0,1-0,3m. Đặc biệt có 04 đoạn đê (dài 800m) nước lũ cao hơn mặt đê 0,3-0,6m đã chủ động đắp con trạch chống tràn, trải bạt mặt đê chống xói lở và con trạch đắp cao 0,6-1m. Trong lũ xảy ra các sự cố sạt mặt, mái đê xã Xuân Vinh dài 6m, lỗ rò phía đê phía đồng xã Thọ Thắng. Sạt mái đê phía sông xã Xuân Tín dài 12m. Sạt mái đê phía sông dài 30m xã Thọ Thắng đã. Lùng mang cống phía hạ lưu cống Quang Hoa dài 3m, nước chảy qua đê. Tuyến đê tả, hữu Quảng Phú bị tràn, thấm nước qua cống sang đồng.
Kênh Chính Bái Thượng, sạt mái trong bờ tả xã Thọ Lâm với chiều dài 25m và 20m; xã Nam Giang với chiều dài 20m, bờ tả xã Nam Giang với chiều dài 170m. Sạt mái đê phía đồng tại xã Thọ Diên với chiều dài 25m; Kênh Nam Bái Thượng: Sạt mái trong bờ hữu tại xã Thọ Lộc với chiều dài 20m; Kênh Tiêu thủy: bị vỡ bờ tả 30m. Tuyến kênh chính Nam (thuộc hệ thống kênh tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã) mực nước dâng cao đột ngột, dòng chảy mạnh, gây vỡ bờ kênh tại 2 đoạn (một đoạn khoảng 10m và một đoạn khoảng 20m) trên địa bàn thôn Đồng Cổ, xã Xuân Thiên.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thị sát tuyến đê xung yếu tại Thọ Xuân |
Nước lũ đã nhấm chìm nhiều xã tại Thọ Xuân, phá hủy nhiều tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm, các công trình giao thông… Tổng thiệt hại sau lũ tại Thọ Xuân ước 358,920 tỷ đồng.
Huyện Thọ Xuân đã đề nghị khẩn cấp lên UBND tỉnh cho tu bổ nâng cấp cứng hóa tuyến đê hữu xung yếu sông Cầu Chày đoạn Thọ Thắng 2 km; Đắp con trạch chắn lũ 3,4 km đê cầu chày xã Thọ Thắng. Khắc phục sự cố sạt, trượt mái đê tả, hữu sông Chu, hữu Sông Cầu Chày, tả, hữu Sông Hoàng, sông Tiêu thủy. Hỗ trợ các gia đình vùng lòng sông bị sạt lở nhà ở, không có điều kiện quay về (24 hộ tại xã Xuân Thiên). Tiếp tục quan tâm hỗ trợ hóa chất phun tiêu độc khử trùng và xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng bị ngập lụt.
Trước đó, chiều 15/10, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến thị sát tình hình ứng phó với áp thấp nhiệt đới và khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra tại Thanh Hoá.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã đi kiểm tra các điểm sạt lở trên đê sông Chu và sông Cầu Chày đoạn qua huyện Thọ Xuân và biểu dương sự chủ động trong công tác khắc phục hậu quả lũ lụt của tỉnh Thanh Hoá, huyện Thọ Xuân, đặc biệt là việc xử lý hiệu quả 9 sự cố trên đê sông Chu, 20 sự cố trên sông Cầu Chày, trong đó, có những sự cố đặc biệt nghiêm trọng như sạt lở đê sông Chu, đoạn qua xã Xuân Trường; lồng mang cống Quang Hoa, đoạn xã Xuân Minh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nếu Thanh Hoá không kịp thời đánh chìm chiếc máy ủi, hàn khẩu ngay miệng cống Quang Hoa, gây vỡ đê sông Chu thì gần 1 nửa triệu người dân Thanh Hoá ở các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Yên Định sẽ ngập chìm trong lũ, thiệt hại sẽ không kể siết. Trước tình huống cấp bách này, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn nhanh chóng tổng hợp, đề xuất lên Chính phủ bố trí nguồn vốn để khắc phục sự cố đê điều tại Thanh Hoá.
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Công lý