Năm 2016, tỉnh Thanh Hóa có gần 6.000 thôn (bản), tổ dân phố và hơn 35.000 người hoạt động không chuyên trách. Đây cũng là tỉnh có số thôn, bản, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước.
Nhận thấy việc sáp nhập sẽ tạo ra các thôn, bản có quy mô lớn hơn, một mặt tiết kiệm chi ngân sách, tạo nguồn lực tập trung đầu tư phát triển. Thế nhưng, việc sáp nhập cần tính đến năng lực và cả chế độ đối của đội ngũ cán bộ này nếu không hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước thì sau sáp nhập cũng chỉ là những con số sáo rỗng.
Người dân lo lắng, sau sáp nhập, nhiều cơ sở hạ tầng sẽ lãng phí. |
Cách đây 6 năm, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương nay là phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa thu hút sự quan tâm dư luận cả nước vì có đến 500 cán bộ. Thực hiện chủ trương cải cách, sáp nhập và kiêm nhiệm các chức danh người đứng đầu, hiện nay xã Quảng Vinh chỉ còn 58 cán bộ. Ông Trần Văn Hưng - Bí thư Đảng bộ phường Quảng Vinh khẳng định, bước đầu mới hoàn thành được mục tiêu sáp nhập, tinh giản.
“Ngoài tinh giản biên chế, nhất thể hóa thì phường quyết tâm giảm tiếp điều động bán chuyên trách của phường xuống thực hiện chức danh Bí thư, trưởng khu phố. Một là tăng tinh thần trách nhiệm, hai là truyền tải chủ trương chính sách xuống cơ sở nhanh hơn” – ông Trần Văn Hưng cho biết.
Từ bài toán tinh gọn bộ máy ở Quảng Vinh không khó để nhận ra, hàng năm địa phương này đã tiết kiệm số tiền lớn cho ngân sách Nhà nước, quan trọng hơn là hạn chế được những khoản đóng góp không cần thiết đối với người dân. Bên cạnh hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bước đầu cho thấy, tinh gọn bộ máy đã cắt giảm nhiều đầu mối và thủ tục.
Xác định việc sáp nhập, nhất thể hóa người đứng đầu là việc khó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa từ tỉnh đến thôn, bản đã đồng loạt vào cuộc quyết liệt.
Kết quả rõ nhất là từ 5.971 thôn (bản), tổ dân phố với 35.143 người hoạt động không chuyên trách (năm 2016), đến nay sáp nhập còn khoảng 4.400 thôn, giảm gần 1.600 thôn.
Ông Trần Duy Bình - Bí thư Huyện ủy Hà Trung thừa nhận, thời gian đầu có những khó khăn nhưng đã nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo ông, có được kết quả đó là do đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức và trong nhân dân. Đối với những nơi còn khó khăn, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ, trên cơ sở đó thực hiện phương án sáp nhập. Nên sau khi sáp nhập, bộ máy cơ sở bắt đầu đi vào hoạt động đồng bộ tốt hơn, tuy thời gian đầu có những khó khăn, nhưng từng bước sẽ khắc phục được.
Những nơi làm được như Thanh Hóa không nhiều, và ngay ở Thanh Hóa cũng mới giảm về số lượng chứ chưa chứng minh được chất lượng, chưa khẳng định được hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Vấn đề đặt ra sau sáp nhập là năng lực và trình độ của cán bộ cơ sở.
Quy mô thôn, bản, tổ dân phố lớn hơn, vai trò, trách nhiệm nhiều hơn, người đứng đầu thôn, bản, không đơn thuần là người đánh kẻng, gõ chiêng, gác cổng làng như trước, mà cần phải có năng lực, bao quát, nhất là tham mưu cho cấp trên trong quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế- xã hội địa phương mình.
Ông Lê Văn Tiền - Bí thư Đảng ủy xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân cho biết, cùng với sáp nhập, nhất thể hóa, cần đánh giá, nhìn nhận đúng vai trò người đứng đầu cơ sở.
“Bước đầu có nhiều vất vả, cả trong chỉ đạo và điều hành, nhưng quan điểm kiện toàn nhất thể hóa là phải xác định vai trò vị trí, phải xem khả năng để bố trí cho phù hợp, qua mấy tháng thực hiện thấy dân đồng tình nhất thể hóa là làm được, nhưng cũng có những đồng chí có hạn trong năng lực lãnh đạo, điều hành, chưa toàn diện” – ông Lê Văn Tiền cho biết.
Sau sáp nhập, quy mô thôn bản lớn hơn, đặt ra yêu cầu đội ngũ cán bộ phải được thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn, một mặt truyền đạt chủ trương của Đảng, Nhà nước đến nhân dân nhưng đòi hỏi có khả năng phân tích chính sách từ thực tế cơ sở, qua đó tham mưu kịp thời cho cấp trên. Muốn làm được điều này, cán bộ thôn, bản, phải được bồi dưỡng, đào tạo bài bản hơn, theo hướng thực tế trong quản lý, điều hành ở cơ sở, “nói phải có sách, mách phải có chứng” chứ không phải như “chiếc loa phóng thanh”.
Như vậy có thể nói, để việc sáp nhập thôn, bản mang lại hiệu quả thiết thực, Thanh Hóa cần có những chính sách khuyến khích cán bộ thôn bản kịp thời, đặt quyền lợi của họ ngang bằng với vai trò, trách nhiệm. Không giải quyết thấu đáo vấn đề này, hàng nghìn cán bộ thôn, bản ở Thanh Hóa vẫn chỉ là những người “ăn cơm nhà vác tù vàng hàng tổng”. Như thế cũng khó nói đến hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước ở cơ sở./.
Tác giả: Sỹ Đức
Nguồn tin: Báo VOV