Trong tỉnh

Sạt lở bờ sông đe dọa “nuốt làng”

Trong nhiều năm qua, do ảnh hưởng của việc thủy điện xả lũ cộng với mưa lớn nên bờ sông Mã, đoạn qua xã Lương Trung, huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đã bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào phần đất nông nghiệp và chỗ ở của người dân.

Bờ sông Mã đoạn qua xã Lương Trung bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Đình Minh.


Ghi nhận tại khu vực sông Mã, đoạn qua thôn Chòm Mốt (xã Lương Trung), chúng tôi thấy bờ sông đang bị lở với chiều dài trên 100m, độ cao hơn 10m, kéo theo cây cối trôi tuột xuống nước. Theo thông tin từ lãnh đạo UBND xã Lương Trung, tình trạng sạt lở tại đây bắt đầu xảy ra từ hơn 10 năm trước, sau khi Nhà máy thủy điện Bá Thước 1 đi vào vận hành. Kể từ đó đến nay, do ảnh hưởng của việc thủy điện xả lũ và mưa lớn đã khiến bờ sông bị ăn sâu vào hơn 60m, mất hơn 7,2ha đất canh tác của hàng chục hộ dân. Cùng với đó, có 3 hộ nằm gần khu vực sạt lở đã phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn.

Bà Bùi Thị Hiền (trú thôn Chòm Mốt) cho biết: Gia đình bà có gần 1.000m2 đất tại khu vực gần bờ sông để trồng ngô, khoai, đậu… đây là nguồn thu nhập chính của gia đình với 4 nhân khẩu. Tuy nhiên, những năm gần đây, bờ sông liên tục bị sạt trượt khiến bãi bồi canh tác chỉ còn khoảng 300m2.

“Ngày trước, khi chưa có nhà máy thủy điện ở trên thượng nguồn thì việc sạt lở gần như không diễn ra. Tuy nhiên, khi họ về về hoạt động, dòng nước lúc thì đổ xuống bất ngờ, lúc thì mặt sông lại lặng thinh. Ở Chòm Mốt, cuộc sống biệt lập với bên ngoài đã khó khăn, nay lại còn mất đất sản xuất nữa, mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp can thiệp để giảm tình trạng bờ sông ăn sâu vào đất liền” - bà Hiền bộc bạch.

Ông Bùi Văn Điệp - Trưởng thôn Chòm Mốt cho biết: Hiện nay, trong thôn có 15,5ha đất trồng lúa, 17,5ha trồng ngô, 19ha trồng tre, luồng… Những năm gần đây, bờ sông liên tục bị khoét sâu vào làng khiến người dân mất đất và rất lo lắng cho cuộc sống sau này. “Nếu không có giải pháp để xử lý sạt lở thì đất của làng sẽ ngày càng bị thu hẹp và các hộ dân sống gần bờ sẽ phải di chuyển vào sâu hơn, gây thiệt hại rất nhiều về kinh tế. Về vị trí sạt lở, đoạn này nằm ở khúc cua, mỗi khi nước trên thượng nguồn đổ về sẽ “thúc” mạnh vào, gây xói mòn. Giờ trồng hoa màu thì lo sạt lở cuốn mất, còn không làm thì chẳng biết mưu sinh bằng gì” - ông Điệp nói.

Ông Trương Ngọc Thụ - Chủ tịch UBND xã Lương Trung cho biết: Nguyên nhân khiến sạt lở ngày càng lan rộng là do ảnh hưởng từ thủy điện xả nước và mưa lớn kéo dài, ghi nhận trong trong 2 năm 2017 và 2018 là nghiêm trọng nhất. Về vấn đề này, xã cũng đã đi kiểm tra và báo cáo lên huyện, tuy nhiên, vẫn chưa có hướng xử lý nào phù hợp vì làm thì quá tốn kém, còn đắp bao đất, đóng cọc tre thì không phù hợp vì độ cao vết sạt đã dựng đứng lên tới 10m. Hiện tại, xã cũng chỉ biết khuyến cáo, cắm biển cảnh báo để nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn khi trồng trọt tại khu vực này.

Tác giả: Đình Minh

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok