Từ 1/7/2024, mức lương cao nhất của công chức, viên chức tăng bao nhiêu?
Căn cứ Nghị quyết 104/2023/QH15, từ ngày 1/7/2024 sẽ bắt đầu thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước).
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 vừa qua, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã trả lời báo chí về tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn chính sách về tiền lương.
Ông Vũ Đăng Minh cho biết: Để thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, trong suốt thời gian vừa qua, Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số các cơ quan liên quan tập trung xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương.
Theo đó, mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.
Ảnh: VGP |
Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (tức 7,5 triệu đồng/tháng).
Tiếp tục tăng lương thêm 7%/năm từ 2025
Một điểm đáng chú ý nữa là từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.
Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Để thực hiện được chính sách cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Trong đó phải kể đến nỗ lực trong việc tạo nguồn cho cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững.
Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.
Tác giả: Duy Anh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn