Theo người dân nơi đây, tục "ăn Tết lại" ở làng Sim xuất phát từ một tích xưa, gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Các cụ cao niên trong làng giải thích rằng, ngày xưa khi đến Tết Nguyên đán thì vua phát lệnh khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Để cùng vua đánh giặc, nhân dân đã không ăn Tết mà tòng quân cùng vua đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi.
Sau khi chiến thắng trở về vua mới tổ chức cho nhân dân ăn Tết lại, mừng chiến thắng. Cũng từ đó “Tết lần 2” được người dân làng Sim duy trì đến ngày nay.
Một góc làng Sim (xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) – nơi vẫn giữ tục “ăn Tết lại”. |
Ông Hà Thọ Thiền (thôn Diễn Thành) cho biết thêm: “Có thể tục lệ "ăn Tết lại" của người làng Sim xuất phát từ sự kiện nghĩa quân Tây Sơn đại phá quân Thanh vào năm Kỷ Dậu 1789.
Sử sách ghi lại, năm 1788, vua Nguyễn Huệ, tên hiệu là Quang Trung thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc đánh trả quân Thanh phương Bắc sang xâm lược nước ta.
Mặc dù cuộc chiến diễn ra vào những ngày Tết cổ truyền nhưng Nguyễn Huệ vẫn phát động cuộc khởi nghĩa và đã dành thắng lợi hoàn toàn.
Sau chiến thắng đó, vua Nguyễn Huệ mới tổ chức cho quân dân nước Nam ăn Tết lại. Có lẽ từ sự kiện đó mà người làng Sim chúng tôi mới có tục "ăn Tết lại" như hiện nay".
Làng Sim là tên gọi xưa, ngày nay là tên chung cho một số thôn trong xã Hợp Thành như: Diễn Thành, Diễn Trung, Diễn Bình… Ngày mùng 10 Tháng Giêng năm nào cũng thế, sau Tết Nguyên đán là một cái Tết lần 2 lại được dân làng Sim nô nức tổ chức.
Trong mâm cỗ ngày “Tết lại” cũng có đầy đủ các món ăn như Tết chính Nguyên đán, với bánh chưng, giò, nem… Một số gia đình còn bày mâm ngủ quả, chuẩn bị chậu quất cảnh, cành đào Tết để trưng bày trong nhà.
“Tết lại” của người dân làng Sim diễn ra duy nhất trong ngày mùng 10 tháng Giêng. Từ mùng 9 tháng Giêng, nhiều gia đình đã mổ lợn lấy thịt làm giò, gói nem, làm thịt ngan, gà để nấu đông…
Mọi thực phẩm trong ngày “Tết lại” của người dân làng Sim phải là thực phẩm mới. |
Bánh chưng - thứ không thể thiếu trong ngày Tết cũng được các gia đình gói những chiếc mới. Toàn bộ thực phẩm trong ngày “ăn Tết lại” phải là thực phẩm mới chứ không dùng những đồ còn dư sau Tết Nguyên đán.
Trong ngày này, người ta đến nhà nhau chúc Tết, dành cho nhau những tình cảm chân thành và các hoạt động vui chơi diễn ra như Tết Nguyên đán.
"Tết lại" của người làng Sim đầm ấm, chân tình. Ngay sau “Tết lại”, người làng Sim lại quay về với công việc thường ngày, hối hả cày cấy cho một vụ mùa mới.
Tác giả: HOÀNG DŨNG
Nguồn tin: Báo VTC NEWS