Trong tỉnh

Tết no ấm nơi bản Nghèo, bản Khó

Trong cái rét ngọt đầu xuân, chúng tôi trở lại bản Nghèo, bản Khó, xã Hồi Xuân (Quan Hóa). Trước đây, nghe đến tên bản Nghèo, bản Khó ai cũng cám cảnh. Giờ đã khác, con đường từ thị trấn Quan Hóa vào bản Nghèo, bản Khó dài 7 km đã được trải nhựa phẳng lỳ. Những quả đồi thoai thoải được phủ lên một màu xanh tươi mát của luồng, keo, xoan, ngô...

Cây lâm nghiệp ở bản Nghèo, xã Hồi Xuân (Quan Hóa) mang lại thu nhập cho người dân.

Tiếp chúng tôi với cái bắt tay thân tình, trưởng bản kiêm bí thư chi bộ bản Nghèo Cao Văn Tùng kể lại sự tích ra đời của bản Nghèo, bản Khó: Ngày xưa bản Nghèo, bản Khó không có tên. Bản nằm ven sông bên những thung lũng xanh mướt bởi lúa ngô, bản làng ấm no, trù phú. Có một vị quan trong bản đang sống trong cảnh giàu sang, nhưng bỗng nhiên muốn biết về cảm giác nghèo khó. Ông đã tìm đến thầy mo để nhờ thầy cúng bái cầu mong được thần linh phù hộ để ông được “hưởng” cái nghèo, cái đói. Nghe thầy mo phán: Ông muốn đói nghèo thì hãy về nhà giết con trâu bạc đầu đàn để cúng tế thần linh. Nghe lời thầy mo, vị quan về nhà giết thịt con trâu bạc để cúng thần linh. Ngờ đâu, từ đó bản làng nghèo, đói triền miên và cái tên bản Nghèo, bản Khó ra đời từ đó.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân bản Nghèo, bản Khó đã được hỗ trợ con giống, cây trồng để bà con phát triển sản xuất nên có “của ăn, của để”. Năm nay, nhiều gia đình đã trở nên “dư dả” vì trồng lúa nước, trồng ngô, sắn, khoai mán, lại thêm thu nhập từ kinh tế đồi rừng, phát triển chăn nuôi. Bây giờ, tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đã thông suốt lên với bản Nghèo, bản Khó, nên ngày nào cũng có xe tải của tư thương lên đây thu mua hàng nông sản cho bà con. Vì vậy, số hộ nghèo giảm nhanh.

Bản Nghèo có 114 hộ, với 520 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Thái, được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bản được đầu tư làm mới các trục đường giao thông, nâng cấp hệ thống mương bai; được hỗ trợ cây, con giống, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi. Bởi vậy, người dân đã biết gieo cấy lúa lai, lúa thuần, bón phân viên nén dúi sâu, năng suất đạt 50 tạ/ha. Đặc biệt, những năm gần đây các hộ dân trong bản đã tận dụng diện tích trồng cây lâm nghiệp ở những nơi có độ dốc thấp để trồng xen cây khoai mán cho thu nhập cao; diện tích đồi rừng đã phủ xanh bởi cây luồng, keo, xoan thuộc Dự án 147. Ngoài ra, phát huy lợi thế về điều kiện chăn thả nên bà con đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc, bản có gần 300 con trâu, bò, 100 con dê, chăn nuôi thêm nhiều lợn, gà, vịt... Từ một bản có tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay đã giảm còn 21%, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/người/năm. Bản Nghèo đã đạt 12/14 tiêu chí nông thôn mới, 2 tiêu chí còn lại đang chuẩn bị hoàn thành, phấn đấu về đích trong năm 2018.

Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón xuân mới, ông Lương Văn Tuấn, trưởng bản Khó dường như vui hơn mọi ngày. Trong nhà người lớn nói chuyện râm ran, ngoài sân trẻ em nô đùa ríu rít. Tết ai mà không vui! Vui vì năm nay mùa màng bội thu, có điều kiện để gia đình ông và người dân trong bản sắm sửa một cái tết đầy đủ, ấm cúng. Trưởng bản Tuấn, cho biết: “Theo phong tục của người Thái, mỗi khi tết đến, xuân về, mọi người trong bản lo dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau mổ lợn, gói bánh cúng tổ tiên, cầu mong một năm mới an lành. Nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào kiến thức trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ vốn mua trâu, bò nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân bản Khó đã khấm khá hơn nhiều”.

Vẫn biết đời sống của người dân bản Nghèo, bản Khó chưa hết khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực vươn lên của bà con, cuộc sống ấm no, hạnh phúc sẽ ngày càng hiện rõ nơi đây.

Tác giả: Khắc Công

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok