Trong tỉnh

Quyết định cưỡng chế khó hiểu, phớt lờ sai phạm của doanh nghiệp

Vi phạm kéo dài không được xử lý dứt điểm; một quyết định cưỡng chế được đưa ra với các căn cứ “khó hiểu” là thực trạng đang diễn ra tại Công ty Cổ phần May Thanh Hóa suốt gần 2 năm qua.

Gần 2 năm sai phạm vẫn chưa được xử lý

Theo phản ánh, Công ty cổ phần May Thanh Hóa là đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại số 119 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa vào ngày 18/8/2009, với tổng diện tích 9449,3m² sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hàng may mặc xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn thời hạn sử dụng đến ngày 01/01/2026.

Công trình vi phạm của Công ty Cổ phần May Thanh Hóa

Năm 2016 Công ty Cổ phần (CTCP) May Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng nhà khung sắt, mái tôn với diện tích 183,75m² và việc đầu tư xây dựng này chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Ngày 16/9/2016, UBND TP Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 8290/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính 44.000.000 đồng (bốn mươi tư triệu đồng) đối với CTCP May Thanh Hóa và yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả: Hoàn thành giấy phép xây dựng; khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với phần đất lấn chiếm 49m², thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 15 ngày kể từ khi nhận được Quyết định và ngày 3/10/2016 công ty này đã chấp hành và tiến hành nộp phạt theo quy định.

Đến ngày 13/4/2018, UBND TP Thanh Hóa đã căn cứ vào Điều 27, Điều 86, Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012 và Điều 33 Nghị định 166/2013/NĐ-CP để ra Quyết định số 2750/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình của CTCP May Thanh Hóa. Tiếp đó đến ngày 4/6/2018, ông Lê Anh Xuân - Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa - ra Quyết định phê duyệt phương án, điều động lực lượng, phương tiện tham gia cưỡng chế theo quyết định nêu trên.

Quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần May Thanh Hóa

Chỉ đạo là vậy nhưng không hiểu vì lý do gì những sai phạm cải tạo, sửa chữa của CTCP May Thanh Hóa không có giấy phép theo quy định vẫn ngang nhiên tồn tại gần hai năm nay ngay tại trung tâm TP Thanh Hóa. Hiện trạng này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng các cơ quan chức năng của TP Thanh Hóa đã không thể giám sát việc xử lý một cách có hiệu quả những công trình sai phạm trên địa bàn mình quản lý? Và liệu có hay không những khu đất dự án khác đang được UBND tỉnh Thanh Hoá cho các tổ chức thuê lại, nằm trên địa bàn TP Thanh Hóa quản lý được chính quyền “phớt lờ” sai phạm?.

Quyết định cưỡng chế với các căn cứ khó hiểu

Quay lại với quyết định cưỡng chế của UBND TP Thanh Hoá có thể thấy, các căn cứ mà Quyết định số 2750/QĐ-CCXP đưa ra có rất nhiều điểm khó hiểu. Cụ thể, Điều 27 của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012 mà Quyết định viện dẫn nêu rõ: "Điều 27. Trục xuất, trong đó “1. Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trong khi đó, theo nội dung giới thiệu về CTCP May Thanh Hóa đăng tải trên website công ty, “CTCP May Thanh Hóa tiền thân là Xí nghiệp may cắt gia công thị xã Thanh Hóa. Xí nghiệp được thành lập theo quyết định số 889/UB-TH ngày 20/4/1974 của UBND tỉnh Thanh Hóa và chính thức hoạt động có hiệu lực kể từ ngày 6/7/1974, nhiệm vụ của xí nghiệp là sản xuất kinh doanh hàng may mặc sẵn theo kế hoạch pháp lệnh của cấp trên giao trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung".

Đến năm 2003, thực thi Quyết định số 36/QĐ-TC ra ngày 6/1/2003 của UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty May Thanh Hóa đã chuyển đổi hình thức sở hữu từ một doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty cổ phần 100% với cái tên CTCP May Thanh Hóa”. Như vậy, CTCP May Thanh Hóa liệu có thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 27 này?

Quyết định cưỡng chế đối với công trình vi phạm của Công ty May Thanh Hóa

Còn ở Điều 86, Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà Quyết định số 2750/QĐ-CCXP viện dẫn thì nội dung quy định rõ “việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định”. Song trong trường hợp của CTCP May Thanh Hóa, như đã nói ở trên, đơn vị này “đã chấp hành và tiến hành nộp phạt theo quy định”. Thậm chí theo phản ánh, CTCP May Thanh Hóa còn có văn bản yêu cầu các cấp chính quyền UBND TP Thanh Hóa hỗ trợ xử lý chính các công trình vi phạm mà mình đang quản lý.

Chưa hết, cũng trong phần căn cứ mà Quyết định số 2750/QĐ-CCXP đã nêu có dẫn Điều 33 Nghị định 166/2013/NDD-CP. Tuy nhiên thực tế trong tất cả các Nghị định của Chính phủ ban hành không có nghị định nào là Nghị định 166/2013/NDD-CP về cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Văn bản Công ty Cổ phần May Thanh Hóa đề nghị các cấp chính quyền UBND thành phố Thanh Hóa hỗ trợ

Vậy UBND TP Thanh Hóa căn cứ vào những điều khoản nêu trên để ra Quyết định liệu có trái pháp luật, có vi phạm Luật Xử lý vi phạm hành chính? Việc huy động các lực lượng chức năng với hàng trăm con người, phương tiện để thực thi một Quyết định với những căn cứ "không liên quan" liệu có gây lãng phí ngân sách Nhà nước?

Để làm rõ những khúc mắc nêu trên, Báo Công lý đã liên hệ, đặt lịch làm việc với UBND TP Thanh Hóa, tuy nhiên khi phóng viên đến làm việc thì chỉ được các bộ phận liên quan hỗ trợ cung cấp hồ sơ tài liệu.

Những câu hỏi về việc cưỡng chế vi phạm được cho là chưa thực thi chính xác, có nhiều điều “khó hiểu” liên quan đến CTCP May Thanh Hóa vẫn đang chờ lời giải thích từ các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Công lý

  Từ khóa: thanh hóa , sai phạm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok