Dân bức xúc vì đền bù không thỏa đáng
Theo đơn phản ánh gửi lên các ngành chức năng, 21 hộ dân thôn Hợp Hưng, Hợp Gia xã Quảng Hợp kiến nghị: Năm 2012 UBND xã Quảng Hợp đưa nhà đầu tư là Tổng công ty May 10 chi nhánh là công ty 888 vào xây dựng xưởng may tại địa phương. UBND xã Quảng Hợp chi trả cho các hộ dân nằm trong diện tích thu hồi để xây dựng xưởng may là 17.500.000 đồng/500m2. Nhân dân chúng tôi không đồng ý với giá đền bù quá thấp, thế nhưng ông Đỗ Ngọc Toàn – Chủ tịch UBND xã (nay là Bí thư Đảng ủy xã) thông báo nếu các hộ dân không đồng ý số tiền đền bù như trên thì xã sẽ chuyển ruộng đi nơi khác. Vì không nhận tiền xã sẽ chuyển đất canh tác đi cách 2-3 km nên người dân đành phải chấp nhận số tiền trên. Sau đó nhân dân chúng tôi nhận thấy có sự mập mờ về tài chính trong việc đền bù đất của dân, cũng như đời sống khó khăn không có công ăn việc làm nên đã kiến nghị lên huyện, lên tỉnh. Thế nhưng cho tới thời điểm hiện tại người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời UBND xã Quảng Hợp thu hồi, đền bù đất của người dân có minh bạch, thỏa đáng hay không?.
Diện tích đất nông nghiệp được thu hồi với giá bèo bọt để xây dựng công ty may 888. |
Nhận được thông tin phản ánh, PV Báo TN&MT đã trực tiếp về xã Quảng Hợp để ghi nhận phản ánh của người dân, biết có PV về hàng chục người dân kéo nhau tới phản ánh những việc làm khuất tất của lãnh đạo xã Quảng Hợp.
Anh Đặng Minh Hưng, thôn Hợp Hưng bức xúc nói: Năm 2012 xã có thông báo cho gia đình tôi nằm trong diện thu hồi để xây dựng công ty may 888 với diện tích là 862m2. Nhận thấy việc bàn giao đất nông nghiệp xây dựng xưởng may phát triển kinh tế là điều thiết thực nên gia đình tôi rất ủng hộ. Thế nhưng tới khi lên xã nhận tiền thì chỉ được nhận 17.500.000 đồng/1 sào. Tôi không đồng ý và có ý kiến thì ông Đỗ Ngọc Toàn khi đó là Chủ tịch UBND xã có nói nếu gia đình không nhận tiền sẽ chuyển đât canh tác lên thôn Hợp Lực, cách nhà tôi khoảng 3 km. Như thế chẳng khác gì là bắt ép dân, nên tôi đành phải nhận tiền.
Danh sách ký nhận tiền của các hộ dân làm 3 đợt nhưng không có ngày giờ lập danh sách, không có chữ ký, đóng dấu của ngành chức năng? |
Anh Đặng Công Minh, thôn Hợp Hưng cũng có diện tích thu hồi là 1300 m2 chia sẻ: Không hiểu lãnh đạo xã Quảng Hợp làm ăn kiểu gì nữa, thu hồi đất của dân nhưng không đưa ra quyết định thu hồi, phương án thu hồi, không có biên bản thỏa thuận với người dân chỉ có gọi dân lên nhận tiền. Khi người dân có ý kiến thì tìm cách né tránh, rõ ràng là không minh bạch, công khai trước dân. Chúng tôi có gửi đơn lên Thanh tra huyện, nhưng thay vì về làm việc với người dân, thanh tra lại về làm việc với xã trước, rõ ràng đang có tình bao che biện bạch cho những việc làm sai trái.
Đẩy đưa trách nhiệm, “ém” hồ sơ?
Trước những kiến nghị của người dân về thu hồi đền bù đất nông nghiệp không thỏa đáng chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân Hồng – Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp và được biết: Tôi mới lên giữ chức vụ chủ tịch từ năm 2015, nên việc đền bù đất nông nghiệp năm 2012 để xây dựng công ty may 888 tôi không nắm được. Anh chị cứ lên làm việc với đồng chí Đỗ Ngọc Toàn, vì lúc đó đồng chí Toàn làm chủ tịch để được cung cấp thông tin.
Khi PV yêu cầu được làm việc với cán bộ địa chính tiếp cận hồ sơ, ông Hồng từ chối với lý do, hồ sơ đã gửi lên thanh tra huyện, nên không có bộ nào ở đây? Ông Hồng chỉ cung cấp danh sách ký nhận tiền của các hộ dân làm 3 đợt nhưng không có ngày giờ lập danh sách, không có chữ ký, đóng dấu của ngành chức năng? Và qua tìm hiểu được biết đây là danh sách ký nhận tiền của các hộ dân trong đợt thu hồi 2014 chứ không phải 2012.
Người dân tập trung phản ánh những việc làm khuất tất của lãnh đạo xã Quảng Hợp. |
Trong cuộc trao đổi với PV ông Đỗ Ngọc Toàn- Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hợp quẩn quanh: Hiện tại tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã đã ổn định nên mong anh chị em thôi không đưa thông tin. Khi đó công ty chân ướt chân ráo về địa phương đầu tư nên xã có đứng ra thỏa thuận với các hộ dân, còn tiền đền bù là do công ty chi trả.
Khi được yêu cầu tiếp cận quyết định thu hồi đất, phương án thu hồi, danh sách ký nhận tiền của các hộ dân ông Toàn cho biết tất cả đã gửi lên thanh tra huyện. Khi được hỏi vì sao mức giá đền bù đất nông nghiệp cho người dân lại quá thấp và không căn cứ theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được Chính phủ quy định, ông Toàn ngập ngừng không trả lời.
Trong khi đó PV đã liên lạc với ông Vương Hồng Lương – Chánh Thanh tra huyện Quảng Xương, ông Lương cho biết chưa nắm được nội dung như PV phản ánh, cũng chưa thấy xã gửi hồ sơ đền bù đất nông ghiệp năm 2012 xây dựng công ty 888 lên đây. Rõ ràng 2 vị lãnh đạo xã Quảng Hợp đang cố tình đưa đẩy trách nhiệm cho nhau, rồi đẩy quả bóng trách nhiệm lên UBND huyện Quảng Xương làm khó PV.
Báo TN&MT sẽ làm việc với lãnh đạo UBND huyện Quảng Xương, tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Tác giả: Thanh Tâm
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường