Dự thảo luật Quy hoạch mới được trình ra UB Thường vụ Quốc hội một lần nữa gây băn khoăn.
Trước hết, Chính phủ đề nghị chỉnh lý làm rõ những quy định về quy hoạch chuyên ngành để thống nhất với pháp luật khác có liên quan (khoản 3 Điều 27 và khoản 3 Điều 28) để triển khai nội dung quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh bảo đảm tính khả thi trong triển khai quy hoạch được lập theo luật này.
Theo đó, nội dung lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tỉnh được dẫn chiếu trở lại pháp luật chuyên ngành về xây dựng, đất đai, môi trường và pháp luật khác có liên quan.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. |
Thẩm tra bổ sung nội dung này, UB Kinh tế của Quốc hội nêu 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên các quy định trong dự thảo luận đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, không sửa đổi như đề nghị của chính phủ. Loại ý kiến thứ hai đề nghị làm rõ cơ sở các các loại quy định để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng luật này.
Thường trực UB Pháp luật cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ cách thức tích hợp các quy hoạch này vào hệ thống quy hoạch quốc gia và cần rà soát những quy hoạch nào cần giữ, quy hoạch nào phải bỏ để sửa đổi quy định của các luật liên quan.
Nhật xét về việc này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định bình luận, tư tưởng ban đầu của dự luật Quy hoạch mạnh mẽ hơn so với hướng điều chỉnh linh hoạt để thể hiện ở khoản 3 Điều 27 này nhưng việc thể hiện cũng không dễ hình dung.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì dứt khoát bác quan điểm chỉnh sửa của Chính phủ vì cho rằng điều chỉnh như vậy là “lùi một bước”.
Làm 1 luật, sửa 24 luật?
Về việc sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành đang điều chỉnh về hoạt động quy hoạch, dự thảo luật được thiết kế thêm một điều – Điều 69 để “sửa ngay tại chỗ” 8 luật liên quan. Đây là một phần của phương án sửa 2 nhóm luật liên quan tới luật Quy hoạch.
Cụ thể, nhóm 1 chính là 8 luật có nội dung đơn giản, mang tính kỹ thuật và không làm thay đổi nội dung chính của các luật, được đề nghị sửa ngay bằng Điều 69 của luật Quy hoạch. 8 luật thuộc nhóm này gồm: Luật Công nghệ thông tin, Luật Người cao tuổi, Luật An toàn thực phẩm, Luật Đo lường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thú y, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là những luật chỉ sửa đổi cụm từ “quy hoạch” thành “kế hoạch”; sửa đổi tên quy hoạch quy định tại các luật hiện hành để phù hợp với tên quy hoạch mới được quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch và việc sửa đổi các điều, khoản trong các luật không nhiều. Các nội dung thay đổi này là thay đổi về hình thức, cách thức quản lý nhà nước, không làm thay đổi nội hàm của chính sách.
Nhóm 2 gồm những luật có nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch, có chính sách phức tạp hơn, liên quan đến đầu tư, kinh doanh,… cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách, Chính phru đề nghị sửa đổi, bổ sung với tiến độ thực hiện song song với luật quy Quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ khi luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (dự kiến từ 1/1/2019).
Chính phủ đã thực hiện rà soát và đề xuất danh mục gồm 24 luật thộc diện này và đề xuất điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 để đưa các luật này.
Việc sửa tuân theo nguyên tắc, một số luật có nội dung sửa đổi đơn giản, không có tác động chính sách lớn thì sửa theo trình tự rút gọn, còn lại các luật khác vẫn thông qua quy trình thông qua tại 2 kỳ họp như quy định.
Như vậy, Chính phủ dự kiến trong kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) hoặc kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) của Quốc hội để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật Quy hoạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ trưởng KH-ĐT về chất lượng dự thảo luật Quy hoạch cần đạt được trong lần trình ra Quốc hội tới đây. |
Tỏ ý lo ngại về nội dung này, UB Kinh tế của Quốc hội phân tích, qua đối chiếu 24 luật được đề xuất sửa đổi với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, chỉ có duy nhất Luật Giáo dục đại học có trong chương trình, còn lại 23 luật chưa có trong chương trình.
Như vậy, nếu cộng 23 luật này cùng với 22 dự luật đã có trong chương trình thì số lượng các luật phải trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2018 là rất lớn. UB Pháp luật cũng gửi báo cáo bày tỏ quan ngại tới cơ quan thẩm tra về tính khả thi của việc sửa luật cả loạt này.
Các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội đều tỏ ý băn khoăn về vấn đề này.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, như phương án đề xuất, sẽ có 45 luật phải trình Quốc hội sửa trong năm 2018, khó khả thi. Mà nếu nới hạn hiệu lực của luật Quy hoạch sang năm 2020 thì cũng không hợp lý vì khi đó chỉ còn ít tháng là kết thúc nhiệm kỳ này, tại các địa phương, cuối năm đó đã phải xong Đại hội Đảng khoá tới mà khi đó còn chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương vì phải chờ luật này thì không được.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề, xây dựng 1 luật để sửa nhiều luật thì mới hy vọng kịp thời hạn vì nếu không, phải sửa mấy chục luật, có làm vài năm cũng khó xong.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn còn cả “đống” luật khác liên quan đến luật này mà chưa xác định được số lượng cụ thể là bao nhiêu. Mà nếu lỡ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (diễn ra cuối năm nay) là chưa thông qua được luật Quy hoạch này thì sẽ không kịp cho các bước xây dựng chiến lược phát triển tiếp theo của đất nước, nghĩa là làm mất cơ hội, mất thời gian của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội thống nhất phương án làm 1 luật để sửa nhiều luật.
Chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao Chính phủ hoàn chỉnh tờ trình bổ sung của dự án luật, đảm bảo gửi cho các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 4 sẽ bắt đầu trong 1 tháng nữa.
“Lưu ý Bộ trưởng KH-ĐT là việc chỉnh sửa phải đảm bảo chất lượng chứ lần tới đưa ra mà chất lượng luật như thế này thì sẽ có vấn đề đó” – ông Hiển cảnh báo.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí