Câu chuyện bút phê của phó chủ tịch UBND xã An Bình Trương Phúc Thực vào lý lịch của công dân có thể là chuyện nhỏ, ‘bé xé ra to’ đối với ông, thậm chí với nhiều người. Nhưng ngẫm kĩ, nó lại mở ra rất nhiều vấn đề lớn trong quan hệ giữa dân và chính quyền địa phương.
Những khoản phí không tên và sự nhũng nhiễu
Theo thông tin mà báo chí đưa ra, và được ông Thực xác nhận, cho thấy rằng khi gia đình chị Quyên từ chối một khoản đóng góp tự nguyện để làm đường liên xã (đơn giá 2 triệu đồng / khẩu), ông Thực đã tuyên bố việc làm này là “không chấp hành các quy định của địa phương”.
Thực chất, khoản phí mà ông Thực yêu cầu gia đình chị Quyên đóng phải dựa trên cơ sở tự nguyện. Kể từ năm 2007, Thủ tướng chính phủ đã có một chỉ thị (số 24) quy định rất rõ rằng “đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện”. Chính quyền địa phương không được phép xem đây là các khoản bắt buộc, không được gọi việc người dân từ chối đóng góp là “không chấp hành”.
Hiện nay, chỉ có hai loại quỹ ở địa phương mà người dân bắt buộc phải đóng góp theo Nghị định 94/2014/CP ngày 17/10/2014 đó là quỹ phòng chống lụt bão và quỹ an ninh quốc phòng (Điều 5.2, Nghị định 94 năm 2014).
Như vậy, việc gia đình cô Quyên không tham gia đóng góp tự nguyện để làm đường liên xã không phải là việc “không chấp hành” chính sách, pháp luật của địa phương.
"Bút phê" của Phó chủ tịch UBND xã An Bình trong vào sơ yếu lý lịch của công dân địa phương. |
Những khoản phí không tên, không biên lai, không quy định như thế này đã từ lâu là một gánh nặng không nhỏ cho các hộ gia đình tại Việt Nam. Một điều trớ trêu rằng càng ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, thì các khoản phí này càng nhiều. Báo chí từng nhiều lần lên tiếng về những mùa “sưu cao thuế nặng”, “mùa đóng góp hãi hùng” phản ánh tình trạng lạm thu của một số địa phương.
Mang tiếng là các khoản phí tự nguyện, nhưng việc đóng góp gần như mặc định là bắt buộc và hậu quả thường sẽ là việc gây khó dễ của chính quyền địa phương với các cư dân nơi này nếu không chấp nhận. Nó có lẽ xuất phát từ tư duy ấu trĩ rằng người dân chỉ được làm những gì chính quyền cho phép, và phải làm những gì chính quyền yêu cầu.
Song trong một nhà nước kiến tạo, pháp quyền, chính quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, còn người dân thì hoàn toàn có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Việc “chấp hành pháp luật” của người dân chính là việc họ không vi phạm các điều cấm của pháp luật.
Hành động của UBND xã An Bình nếu gọi đúng tên thì sẽ không phải là việc thiếu hiểu biết pháp luật như ông Thực phân trần, mà rất có thể là một hành vi nhũng nhiễu người dân. Cho dù mục đích của việc đóng góp tự nguyện có là tốt, là không vụ lợi, thì việc sử dụng quyền lực nhà nước để gây khó khăn cho một người không tham gia vào phong trào của địa phương là hành vi lạm quyền.
Tư duy “chuyện nhỏ, sai thì sửa”
Nhưng có lẽ sự nhũng nhiễu kia không đáng quan ngại bằng một tư duy khác khá phổ biến ở chính quyền địa phương, đó là tư duy “chuyện nhỏ, sai thì sửa”.
Trả lời phóng viên của Vietnamnet, ông Thực trăn trở rằng sự việc với cô Quyên là “chuyện nhỏ”, và có ý trách gia đình cô Quyên đã làm “to chuyện” vì đăng lên mạng xã hội.
Suy nghĩ như vậy là dễ hiểu, nhưng không dễ chấp nhận. Dễ hiểu vì một công chức như ông Thực hàng ngày phải giải quyết rất nhiều hồ sơ, tài liệu, chủ trương, chính sách lớn nhỏ. Vì có quá nhiều công việc như vậy mà nó hình thành một tư duy rằng có những chuyện nhỏ, có những chuyện quan trọng hơn. Chuyện nhỏ thì sẽ dành công sức nhỏ để giải quyết, chuyện lớn thì phải chú tâm hơn.
Nhưng đó lại là một tư duy nguy hiểm. Với những người làm việc trực tiếp với con người, họ cần thiết phải hiểu rằng một bộ hồ sơ yêu cầu xác nhận lý lịch trên bàn làm việc của họ có thể chỉ là một công việc không quá quan trọng với chính quyền, nhưng với người dân thì khác.
Với ông Thực, việc ông có bút phê hay không vào lý lịch của cô Quyên, bút phê đó có đúng hay sai, suy cho cùng với ông cũng chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Và nếu ông có làm sai thì đơn giản là ông sửa lại, hay cấp ra một tờ lý lịch mới.
Nhưng với cô Quyên thì khác. Đó có thể là việc làm của cô, là sự đàm tiếu của hàng xóm, là tương lai, và là danh dự của gia đình cô. Tôi từng chứng kiến nhiều gia đình không thể ngẩng mặt lên với hàng xóm chỉ vì họ được “nêu gương” bởi các cán bộ địa phương trong những buổi họp dân cư hay qua loa đài phát thanh vì những hành vi bị cho là “không chấp hành” của họ. Rất có thể những cán bộ địa phương không hề ác ý khi họ “nêu gương” hay có bút phê như vậy. Rất có thể họ nghĩ những gì họ làm là đúng.
Nhưng như người bác sĩ không thể vô tâm với một bệnh nhỏ của bệnh nhân, một luật sư không thể sơ suất với một vụ án của thân chủ, một cán bộ cũng không thể lơ đễnh với giấy tờ, đơn từ của người dân. Cán bộ địa phương không chỉ là những người làm chuyên môn, mà họ còn nắm giữ trong tay lòng tin của nhân dân với hệ thống chính quyền.
Không phương thức tuyên truyền nào có thể gầy dựng lòng tin của người dân khi những tiếp xúc hàng ngày của họ với cán bộ địa phương, là người đại diện cho cả bộ máy Nhà nước, lại toàn những trải nghiệm của sự nhũng nhiễu, không minh bạch, quan liêu. Những vết nứt nhỏ như ở An Bình cũng có thể làm xói mòn nỗ lực xây dựng Nhà nước kiến tạo mà chúng ta theo đuổi.
Do đó, câu chuyện của UBND An Bình và chị Quyên có thể “nhỏ” trong vô vàn các tin tức nóng hổi hiện nay, nhưng có thể là chỉ dấu cho những vấn đề lớn hơn nhiều cần giải quyết. Đó là cần bãi bỏ các khoản phí không tên ở các địa phương, là chấn chỉnh thái độ của các cán bộ địa phương…
Tác giả: Lê Nguyễn Duy Hậu
Nguồn tin: Báo VietNamNet