Tàu đậu tại cảng Hodeidah ở Yemen vào tháng 3/2017. Ảnh: Reuters. |
Sau chuyến thăm thủ đô Sanaa của Yemen do phiến quân Houthi kiểm soát, đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) Martin Griffiths hôm 21/6 cho biết nhóm Houthi sẵn sàng bàn giao quyền quản lý cảng Hodeidah cho LHQ, theo Reuters.
Cảng Hodeidah là cửa ngõ chính nhằm cung cấp hàng cứu trợ quốc tế cho Yemen. Liên quân Arab gồm Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang tìm mọi cách chiếm cảng và sân bay Hodeidah để triệt tiêu nguồn thu nhập chính của Houthi và đẩy phiến quân ra khỏi khu vực quan trọng chiến lược này.
Đặc phái viên Griffiths đã tới Arab Saudi trong nỗ lực đàm phán một thỏa thuận về quyền kiểm soát cảng biển quan trọng này, đồng thời cho biết sẽ tổ chức các cuộc gặp với Tổng thống Yemen Abd Rabbuh Mansour Hadi.
Nguồn tin ngoại giao tại LHQ tiết lộ giới chức Arab Saudi và UAE đã thông báo cho Griffiths rằng họ sẽ nghiên cứu về thỏa thuận, đồng thời phiến quân Houthi cho biết sẽ chấp nhận các quy tắc tổng thể của LHQ về quản lý và giám sát cảng.
Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết nếu đạt được thỏa thuận, LHQ sẽ giám sát nguồn thu nhập từ cảng và đảm bảo chuyển số tiền này vào ngân hàng trung ương Yemen. Các nguồn tin cũng cảnh báo rằng kế hoạch vẫn cần sự chấp thuận từ các bên và sẽ không dẫn tới việc ngừng bắn, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan và giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ Mark Green đã họp hôm 21/6 cùng các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nhằm thảo luận về cuộc xung đột tại cảng Hodeidah. Tại cuộc gặp, Sullivan đã ủng hộ "nỗ lực của Griffiths nhằm tránh leo thang chiến tranh bằng cách thu xếp một thỏa thuận về quyền quản lý cảng" và nhấn mạnh cam kết của Mỹ về một giải pháp chính trị.
Liên quân do Arab Saudi dẫn đầu đã can thiệp quân sự vào Yemen năm 2015 để giành lại quyền kiểm soát các khu trung tâm đông dân từ tay phiến quân Houthi nhằm phục hồi chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Yemen Abd Rabbuh Mansour Hadi đang phải sống lưu vong.
Vị trí thành phố cảng Hodeidah (Hudaydah) của Yemen. Đồ họa: BBC. |
Tác giả: Ánh Ngọc
Nguồn tin: Báo VnExpress