Một góc thị trấn Tĩnh Gia. Ảnh: X.H |
Trong những ngày vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại huyện Tĩnh Gia để tìm hiểu phát triển kinh tế gắn với đô thị hóa trên địa bàn. Dạo qua các xã đạt chuẩn nông thôn mới, như: Hải Châu, Bình Minh, Thanh Thủy... chứng kiến đổi thay căn bản của các địa phương này. Các công trình đường giao thông, nhà văn hóa, hệ thống điện, trường học..., nhiều nhà ở của nhân dân ở những xã này đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới kiên cố, khang trang.
Đến với các khu tái định cư: Xuân Lâm – Nguyên Bình, Trúc Lâm, Mai Lâm..., những công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố, đồng bộ; nhà ở của nhân dân xây dựng khang trang, kiên cố, cao tầng... bảo đảm tiêu chuẩn đô thị.
KKTNS là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển. Sau 10 năm thành lập (từ năm 2007), KKTNS đã được Chính phủ, tỉnh quan tâm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại; tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, ngày 12-6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế hoạt động của KKTNS. Theo đó, KKTNS được điều chỉnh, mở rộng diện tích từ 18.600 ha lên 106.000 ha...
Đại diện lãnh đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch, UBND huyện Tĩnh Gia, cho biết: Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, huyện Tĩnh Gia đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với đô thị hóa bảo đảm phù hợp với quy hoạch mở rộng và phát triển của KKTNS, quy hoạch đô thị trung tâm vùng huyện, quy hoạch đô thị Hải Ninh.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp điện tử, công nghệ cao..., bảo đảm môi trường sạch, an toàn.
Huyện Tĩnh Gia tăng cường quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng để khuyến khích mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đô thị; đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn, tập trung là KKTNS. Huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ tài nguyên, bảo đảm môi trường...; qua đó, đã hạn chế được tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng, cơi nới trái phép.
Tập trung sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị cho nhiệm vụ trọng tâm về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục, bảo đảm an ninh trật tự trong GPMB theo tính chuyên đề để nhân dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Trước mắt, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong GPMB đối với các dự án trọng điểm.
Huyện phối hợp với chủ đầu tư, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp khẩn trương đáp ứng điều kiện các khu tái định cư để các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng nhà ở mới bảo đảm cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ. Đẩy mạnh phát triển kinh tế; trong đó, chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản. Tạo thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại; nhất là các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất...
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, khôi phục xây dựng làng nghề truyền thống, như: Nước mắm Hải Thanh, Hải Châu; sản xuất muối ở Hải Châu; phát triển ngành, nghề mây tre đan các xã vùng bán sơn địa. Xây dựng các trung tâm thương mại ở thị trấn, thị tứ. Đầu tư nâng cấp chợ huyện, phát triển chợ nông thôn, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, khắc phục dần tình trạng xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế.
Kinh tế của huyện Tĩnh Gia những năm gần đây phát triển với tốc độ cao và năm sau cao hơn năm trước; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân dần được nâng lên. Hiện nay, tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,1%; công nghiệp – xây dựng chiếm 77,4%; dịch vụ - thương mại 12,5%.
Ngoài ra, huyện Tĩnh Gia tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các trung tâm học tập cộng đồng; phát triển quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động và xây dựng nông thôn mới, hướng tới tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% vào năm 2020.
Đồng chí Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, cho biết: Huyện tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phù hợp với phát triển của KKTNS; trong đó, chú trọng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế gắn với đô thị hóa. Đồng thời, thường xuyên đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành theo hướng khoa học, chất lượng, hiệu quả gắn với tăng cường trách nhiệm của từng cá nhân, của người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao trên từng lĩnh vực.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Giải quyết kịp thời, đúng chính sách các yêu cầu của nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Kiện toàn tổ chức bộ máy từ huyện đến cơ sở, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức về trình độ chính trị, chuyên môn và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tác giả: Xuân Hùng
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử