Trong tỉnh

Phát triển thành phố Thanh Hóa hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh - thông minh

Thành phố Thanh Hóa được điều chỉnh định hướng phát triển không gian nhiều lần, lần gần đây nhất là năm 2009. Tất cả các lần quy hoạch đều thống nhất chức năng thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2014, thành phố Thanh Hóa được công nhận là đô thị loại I.

Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa).

Vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu phát triển thành phố Thanh Hóa hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh - thông minh, nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, phù hợp xu thế chung của khu vực và trên thế giới, xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động của quốc gia, là cửa ngõ của vùng quốc gia kết nối với quốc tế, thu hút đầu tư từ trong và ngoài nước. Từ yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao thành phố Thanh Hóa thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia: “Phát triển thành phố Thanh Hóa hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh - thông minh”.

Khắc phục hạn chế, phát huy lợi thế

Xuất phát từ thực tiễn với yêu cầu cấp bách trong xây dựng và phát triển bền vững, thành phố Thanh Hóa đã triển khai đề tài khoa học cấp quốc gia: "Phát triển thành phố Thanh Hóa hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh, thông minh", với khâu đột phá là tầm nhìn về quy hoạch tổng thể. So với yêu cầu đặt ra, các quy hoạch phát triển không gian thành phố Thanh Hóa trước đây chưa đạt yêu cầu để phát triển đô thị hiện đại, bền vững, xanh - thông minh. Chưa có chiến lược để thành phố là đầu tàu kinh tế của tỉnh cũng như để trở thành trung tâm của vùng, điểm đến của sự đầu tư quốc tế. Bộ máy và việc tổ chức quản lý đô thị chưa đạt yêu cầu, chưa theo kịp tốc độ phát triển không gian của thành phố. Hiện nay, thành phố đã mở rộng xuống phía đông và sang phía tây, với gần 20 xã thuần nông của các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Ðông Sơn, Thiệu Hóa. Diện tích được mở rộng từ 57 ha lên 144 ha.

Ðể nghiên cứu phát triển thành phố Thanh Hóa hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh - thông minh, nội dung nghiên cứu phát triển không gian thành phố phải là nội dung mang tính cơ sở, có tầm nhìn 30 năm, 50 năm, có không gian đô thị rộng lớn gấp ba lần hiện nay. Ðể phát huy được lợi thế về vị trí địa lý của Thanh Hóa, lợi thế đông dân, có nguồn lao động dồi dào, lợi thế khi hệ thống giao thông quốc gia phát triển, với trục cao tốc bắc nam, kết nối với cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân, cảng biển Nghi Sơn, đường trục ven biển nối Thanh Hóa với các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh; các quốc lộ, tỉnh lộ kết nối với các tỉnh Tây Bắc, nước bạn Lào,... trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Trong tương lai, thành phố Thanh Hóa sẽ sử dụng được nguồn lực từ bên ngoài, như vốn và công nghệ của các nước phát triển, khắc phục những khiếm khuyết (nhược điểm) của các đô thị hiện hữu, phát huy được nội lực của kinh tế ba vùng (núi, đồng bằng, biển), để phát triển với vị thế là trung tâm tài chính, trung tâm Khoa học - công nghệ của tỉnh Thanh Hóa.

Ðể có thể khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế, nhằm mục tiêu phát triển thành phố trở thành đô thị vùng, là một trong những trung tâm kinh tế năng động của quốc gia, liên kết với các đô thị lân cận thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, tạo tiền đề cho việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ðề án đã đề ra hệ thống các giải pháp:

Về phát triển kinh tế, thành phố ưu tiên phát triển dịch vụ, trọng tâm là tài chính, ngân hàng, du lịch; công nghiệp và công nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp công nghệ cao; thị trường vốn và thị trường bất động sản; phấn đấu giai đoạn 2006 - 2020 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế là 19,7%/năm.

Về hạ tầng kỹ thuật đô thị, ưu tiên và tập trung xây dựng phát triển giao thông đô thị; cấp, thoát nước; viễn thông; triển khai quy hoạch chi tiết thành phố hai bên bờ sông Mã; xây dựng Trung tâm Hành chính tập trung nối từ đại lộ Lê Lợi đến cầu Nguyệt Viên.

Ðối với hạ tầng công nghệ thông minh, thành phố tập trung phát triển trung tâm điều hành mạng, mạng tốc độ cao, cơ sở dữ liệu thông tin, về hành chính công, về hạ tầng, đất đai, nhà cửa,…

Về hạ tầng xanh, ưu tiên đầu tư nhằm tiết kiệm năng lượng; năng lượng mới và có thể tái tạo; thân thiện với môi trường.

Trong hạ tầng văn hóa - xã hội, quan tâm chỗ ở và công trình phúc lợi công cộng, hệ thống an sinh; các công trình văn hóa, công trình y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân thông qua smart phone, phát huy, làm nổi bật giá trị văn hóa của thành phố, với trung tâm là khu vực làng cổ Ðông Sơn, Trống Ðồng núi Ðọ, khu văn hóa du lịch tâm linh Hàm Rồng...

Sức lan tỏa của đề tài

TS Nguyễn Xuân Phi, Bí thư Thành ủy Thanh Hóa, chủ nhiệm đề tài khoa học "Phát triển thành phố Thanh Hóa hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh, thông minh" cho biết: Ðề tài là hệ thống hóa, khái quát hóa cơ sở lý luận và thực tiễn, nhằm minh chứng cho việc phát triển thành phố Thanh Hóa phù hợp xu hướng đô thị hóa của thế giới, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển kinh tế của tỉnh và quốc gia. Xây dựng hệ thống các luận chứng khoa học để chứng minh lợi thế địa lý, kinh tế của thành phố, với tư cách làm một đầu mối giao thông của khu vực miền trung, nơi có ưu thế trong việc giao thông cao tốc (gồm đường sắt và đường bộ, kết nối với Cảng hàng không Thọ Xuân, Cảng biển Lễ Môn - Nghi Sơn), đầu tư tài chính quốc tế. Làm rõ và đánh giá thực trạng phát triển; phân tích các tiềm năng, lợi thế của thành phố. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất bộ tiêu chí đánh giá và giải pháp nhằm phát triển thành phố trở thành thành phố hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh - thông minh".

Nút giao Hạc Thành, kết nối giao thông bắc - nam.

Theo đồng chí Vũ Ðức Kính, Phó Chủ tịch phụ trách UBND thành phố Thanh Hóa, đề tài thực hiện đã khái quát, phân tích đánh giá chủ trương, quan điểm của Thành ủy về phát triển thành phố hiện đại, hướng tới đô thị xanh - thông minh, chỉ ra những thành công, hạn chế giai đoạn 10 năm vừa qua; tổng hợp, đánh giá hệ thống pháp luật, chính sách của chính quyền thành phố về phát triển đô thị thành phố qua các giai đoạn, chỉ rõ những mặt hợp lý, tích cực, những mặt bất hợp lý, hạn chế và ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá thực trạng phát triển của đô thị thành phố Thanh Hóa trên các nội dung về kinh tế, xã hội, môi trường, hạ tầng trong thời gian qua. Ðề tài đã xây dựng được bộ tiêu chí cho đô thị xanh - thông minh phù hợp điều kiện Việt Nam và áp dụng cho Thanh Hóa; nghiên cứu, phân tích, đánh giá về thực tiễn xây dựng, sử dụng hệ thống tiêu chí đánh giá đô thị xanh - thông minh ở một số địa phương trong nước và một số quốc gia trên thế giới. Từ đó, rút ra bài học tham khảo cho Việt Nam nói chung, thành phố Thanh Hóa nói riêng.

Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Phi cho biết: "Ðề tài rộng và phức tạp, nhưng luôn nhận được sự giúp đỡ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học của Viện Kinh tế - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Kiến trúc quốc gia - Trường đại học Kinh tế Quốc dân - Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư). Ban chủ nhiệm đề tài mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành để đề tài đạt được các mục tiêu đã đề ra. Cùng với thực hiện đề tài khoa học, những đề án, dự án xây dựng thành phố xanh - thông minh như: Trung tâm dữ liệu (Số hóa); Trung tâm Công nghệ thông tin; Trung tâm điều hành, được triển khai thực hiện, sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân thành phố Thanh Hóa nói riêng, kỳ vọng của nhân dân cả nước nói chung.

Theo GS, TS Nguyễn Lân - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu công trình khoa học Quốc gia: Ðề tài nghiên cứu "Phát triển thành phố Thanh Hóa hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh - thông minh" nếu được thực hiện, sẽ giúp tỉnh Thanh Hóa khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Thanh Hóa mạnh mẽ hơn, trở thành một trong những trung tâm năng động của Quốc gia, trung tâm của vùng và trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội - Khoa học kỹ thuật của tỉnh. Ðịnh hướng nghiên cứu của đề tài đúng với chủ trương của Ðảng, Chính phủ và ý nguyện của Ðảng bộ, nhân dân thành phố Thanh Hóa.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2017
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14%.
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.
- GDP bình quân đầu người đạt 6.200 USD.
- Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 25.000 tỷ đồng.
- Thành lập mới 1.000 doanh nghiệp.

Quy mô - tầm nhìn đến năm 2035
- Hình thành khu công nghệ cao 300 ha tại Khu công nghiệp Tây Nam thành phố.
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD.
- Dân số 1 triệu dân.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 10.000 USD.

Tác giả: TIẾN VƯƠNG

Nguồn tin: Báo Nhân dân

  Từ khóa: thành phố Thanh Hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok