Ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1960, quê Hưng Yên) đến trung tâm xét nghiệm ADN với 3 mẫu cuống rốn đựng riêng lẻ trong 3 túi nilon. Mỗi túi mẫu ghi rõ họ tên từng bé Bắc, Trung, Nam. Ông Hùng làm thủ tục xét nghiệm xem bé nào mới đích thực là con đẻ của mình.
Kết quả, Bắc không phải con đẻ của ông. Hai hôm sau, ông quay trở lại trung tâm mang theo móng tay và yêu cầu phân tích ADN lần nữa. Mẫu xét nghiệm lần này ông Hùng ghi tên đứa trẻ là Hà. Kết quả giám định thể hiện ông Hùng và Hà không cùng huyết thống.
Lúc này tất cả nhân viên trung tâm ADN đều nghĩ ông Hùng có 4 người con, trong đó 2 người Bắc và Hà không phải con ruột ông.
Nhân viên trung tâm ADN giám định huyết thống cho khách hàng. (Ảnh: CGAT) |
Khoảng 2 tuần sau, ông Hùng tiếp tục đến trung tâm lần thứ 3. Lần này, ông không đến một mình như các lần trước mà thêm người phụ nữ và đứa trẻ đi cùng. Ông Hùng lẳng lặng điền vào đơn xin xét nghiệm cha con với cùng đứa bé.
Mẫu của 2 bố con lần này là máu tươi và tế bào niêm mạc miệng do các y tá của trung tâm trực tiếp lấy. Người phụ nữ chỉ ngồi lặng lẽ theo dõi.
Nhìn vào tờ đơn xét nghiệm thấy tên Trung, các giám định viên đoán có thể ông Hùng lại tiếp tục nghi ngờ một trong hai đứa trẻ được kết luận là con đẻ trước đó không phải máu mủ của mình.
Nếu như lần trước, Trung được kết luận con thì lần này hoàn toàn ngược lại. Các nhân viên lặp đi lặp lại xét nghiệm và khẳng định không có sự nhầm lẫn nào trong ca thứ 3 này. Phải chăng, ông Hùng vô tình ghi nhầm tên con hoặc cố tình đổi tên con để “thử” nhân viên trung tâm phân tích ADN?
Đến nhận kết quả đúng hẹn, ông Hùng được nhân viên trung tâm ADN trao đổi về kết quả cũng như những hoài nghi về trường hợp này. Trong phút trải lòng, ông bộc bạch câu chuyện gia đình đang bên bờ đổ vỡ.
Ông Hùng có tất cả 3 người con tên Bắc, Trung, Nam. Trong lần xét nghiệm đầu tiên với 3 mẫu cuống rốn, kết quả Bắc không phải con đẻ - điều đó hoàn toàn trùng với nghi ngờ của ông. Nhưng để tránh nhầm lẫn, ông cẩn thận lấy mẫu móng tay của Bắc xét nghiệm lần 2 và đổi tên thành Hà.
Ông Hùng dùng kết quả đó để nói chuyện thẳng thắn với bà Lan (vợ ông) về cả quá trình ông đi tìm sự thật. Mặc dù giấy trắng mực đen nhưng bà Lan vẫn không chịu tin và yêu cầu ông làm xét nghiệm lần thứ 3 với bé Bắc nhưng đổi tên là Trung.
Kết quả mẫu xét nghiệm một lần nữa khẳng định Bắc không phải con ruột ông Hùng. Cuối cùng bà Lan phải “tâm phục khẩu phục”, thừa nhận toàn bộ tội lỗi.
Trước khi đến với ông Hùng, bà Lan trót trao “cái ngàn vàng” cho một gã sở khanh. Cả hai tìm hiểu một thời gian thì bà Lan phát hiện người đàn ông đó “bắt cá hai tay” nên chia tay.
Trong lúc đau khổ chia tay mối tình đầu bà Lan gặp ông Hùng. Ông bao dung cho quá khứ của bạn gái, cả hai nhanh chóng làm đám cưới hạnh phúc và 3 đứa con Bắc – Trung – Nam cũng lần lượt chào đời.
Cuối năm ngoái, trong một lần đang đi ngoài đường, ông Hùng nhìn thấy vợ mình ngồi sau xe máy với người đàn ông lạ. Ông bí mật bám theo cho tận tới điểm dừng là một khách sạn trong ngõ hẻm.
Nghe ngóng một lúc, ông tiến vào quầy lễ tân đề nghị chủ khách sạn giúp đỡ nhưng không nhận được hợp tác. Chỉ đến khi ông định gọi nhiều người thân đến làm rõ trắng đen thì chủ nhà mới chịu lên phòng gọi bà Lan xuống.
Trở về nhà, bà Lan thú nhận nhiều năm nay vẫn qua lại với tình cũ. Lúc này, ông Hùng chợt nghĩ đến 3 đứa trẻ và muốn tìm bằng được quan hệ huyết thống của mình với các con nên quyết định tìm đến y học hiện đại.
Nhớ lại câu chuyện về khách hàng trên, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền (Hà Nội) cho biết, có thể trước khi đến với trung tâm, ông Hùng đã có những dự cảm bé Bắc không phải con ruột của mình.
Ba lần nhận kết quả, người đàn ông ấy vẫn rất bình thản, không giống như nhiều khách hàng khác thường hụt hẫng, đau khổ.
“Ông nói với chúng tôi rằng lòng bao dung của ông đã đến giới hạn. Ông cũng chẳng muốn nghe những lời thanh minh của vợ. Sau khi có kết quả xét nghiệm ADN, vợ chồng ông sẽ ly hôn”, bà Nga cnói.
Theo chuyên gia phân tích ADN, xét nghiệm ADN phân tích các mẫu ADN của cá nhân để tìm ra dữ liệu di truyền của mỗi người. Từ đó, so sánh, xác định các cá nhân trong diện nghi ngờ có mối quan hệ huyết thống thật sự với nhau không.
Xét nghiệm này không chỉ có ý nghĩa về mặt cá nhân trong việc nhận người thân, huyết thống mà còn giúp thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một cá nhân hay tổ chức, như xét nghiệm ADN để làm nhập tịch, visa, xét nghiệm ADN để làm giấy khai sinh, xác định quyền nuôi và trợ cấp đối với con cái, xét nghiệm ADN để thực hiện quyền chia tài sản, thừa kế.
Tác giả: NHƯ LOAN
Nguồn tin: vtc.vn