Thể thao

Phan Thanh Bình phản ứng cuốn tự truyện của Lê Công Vinh

Trong cuốn tự truyện có tựa đề “Phút 89”, Lê Công Vinh có viết về tiền đạo nổi tiếng một thời của U23 Việt Nam Phan Thanh Bình, rằng Thanh Bình ngày đó luôn chắc suất đá chính, vì Thanh Bình là “con cưng” của HLV Riedl. Bản thân Phan Thanh Bình phản ứng về điều này.

Cụ thể, thời SEA Games 2005 trở về trước, cặp tiền đạo của đội tuyển U23 Việt Nam thường là Phan Thanh Bình và Phạm Văn Quyến. Trong cuốn tự truyện mang tên “Phút 89” của mình, Công Vinh đánh giá cao tài năng của Văn Quyến, nhưng lại không nói điều tương tự về Phan Thanh Bình.

Trong cuốn tự truyện này, Công Vinh thuật lại: "Riedl bao năm vẫn vậy, vẫn chọn những cầu thủ mình thích, vẫn trung thành với lối đá chồng biên. Lúc này, dù đã giành được Quả bóng vàng nhưng tôi vẫn chỉ là dự bị cho cặp tiền đạo ưa thích của ông là Văn Quyến – Thanh Bình. Ông Riedl luôn thương Phan Thanh Bình như con".

Tự truyện của Công Vinh với đoạn văn trên có thể chạm tự ái đến Phan Thanh Bình, bởi chia sẻ của Công Vinh trong cuốn tự truyện được nhiều người hiểu rằng Thanh Bình lấy chỗ chính thức ở đội tuyển U23 Việt Nam, các kỳ SEA Games năm 2005, 2003 không phải bằng chuyên môn, mà bằng sự thân tình với HLV của đội tuyển U23 Việt Nam vào thời điểm đó là ông Alfred Riedl.

Phan Thanh Bình từng là tay săn bàn nổi tiếng một thời của đội tuyển U23 Việt Nam tại các kỳ SEA Games

Thanh Bình đã phản bác luận điểm này: “Tôi chưa đọc cuốn tự truyện của Công Vinh, nhưng có biết cậu ta có nói HLV Alfred Riedl thương tôi như con nên được xếp đá chính. Cậu ta dù đã nhận Quả bóng vàng nhưng phải dự bị”.

“Với tôi thì rất đơn giản, thời điểm đó tôi hay hơn, có được phong độ tốt nên HLV Alfred Riedl xếp mình đá chính, chơi bên cạnh Văn Quyến là chuyện bình thường. Năm đó, Công Vinh không thể nào sánh với tôi và Phạm Văn Quyến được” - Phan Thanh Bình nói thêm.

Cần nhắc lại rằng Phan Thanh Bình chính là người đã có pha đánh đầu ngược tuyệt đẹp vào lưới Malaysia, ghi bàn thắng quyết định ở trận bán kết SEA Games 22 năm 2003 trên sân Mỹ Đình, đưa U23 Việt Nam vào chung kết.

Trước nữa, Phan Thanh Bình vẫn thường xuyên ghi những bàn thắng quan trọng cho các đội tuyển U23 Việt Nam, ở các kỳ SEA Games. Sau đó, Phan Thanh Bình tiếp tục giữ vững phong độ và góp mặt đến tận SEA Games 25 năm 2009 tại Lào, rồi tiếp tục góp công đưa Việt Nam vào chung kết.

Phan Thanh Bình nói thêm: “Mỗi người một quan điểm, tôi không biết mục đích của Công Vinh là gì khi chia sẻ những điều như vậy về tôi trong cuốn tự truyện của cậu ấy. Thực sự đó là những góc khuất mà tôi và nhiều đồng đội khác sẽ không bao giờ nói ra, không hiểu sao Vinh lại làm như vậy”.

“Hành động này của Công Vinh theo tôi không hay. Dù không còn chơi bóng và đã giã từ sự nghiệp, nhưng tôi thấy buồn vì tôi vẫn luôn xem Công Vinh là bạn” – Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Cuốn tự truyện “Phút 89” của Lê Công Vinh được xuất bản cách nay ít tuần, gây rất nhiều phản ứng khác nhau trong giới bóng đá, vì có đề cập đến những những chuyện khó nói nơi hậu cảnh của bóng đá nội, kể cả scandal dàn xếp tỷ số của nhóm cầu thủ từng rơi vào vòng lao lý sau SEA Games 23 năm 2005.

Sau khi Công Vinh cho ra mắt của tự truyện kể trên, khá nhiều đồng nghiệp, đồng đội cũ của Lê Công Vinh phản ứng về những gì anh viết trong sách.

Tác giả: Kim Điền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok