Pháp luật

Nữ thượng úy Bộ Công an và vụ gài bẫy ma túy

Tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ vai trò của nữ cán bộ công an trong việc tổ chức gài bẫy ma túy nhằm đưa bị hại vào tù.

Ngày 10-4, TAND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Vân (37 tuổi, trú quận Tây Hồ, TP Hà Nội) về hai tội tàng trữ trái phép chất ma túy và vu khống. Nạn nhân trong vụ án không ai khác chính là người có quan hệ tình cảm với Vân trong nhiều năm là ông Nguyễn Văn Thiện (44 tuổi, trú cùng địa phương).

Đáng chú ý, người mà bị cáo Vân cho rằng trực tiếp đạo diễn việc gài bẫy ma túy để bắt ông Thiện là thượng úy công an Nguyễn Thị Vững (công tác tại Cục Cảnh sát phòng, chống buôn lậu, Bộ Công an), chỉ được xác định là nhân chứng trong vụ án.

Bỏ 1 tỉ thuê công an gài bẫy?

Tại tòa, bị cáo Vân giữ nguyên lời khai như trong quá trình điều tra, về việc bỏ ra số tiền 1 tỉ đồng để nhờ bà Vững “đạo diễn” việc gài bẫy để bắt ông Thiện. Vân khai rằng quá trình sinh sống cùng nhau như vợ chồng thì thường xuyên bị ông Thiện đánh đập. Vân mang chuyện này tâm sự với bà Vững và được bà này gợi ý sẽ lên kế hoạch đưa ông Thiện vào tù.

Bà Vững đưa ra giá 1 tỉ đồng nhưng vì bị cáo Vân không có tiền nên bà Vững đã cho vay 500 triệu đồng với điều kiện Vân phải thế chấp một căn hộ. Quá trình thương lượng giữa hai bên đều được bị cáo Vân ghi âm lại. Nữ bị cáo khẳng định bà Vững là người chỉ đạo và sắp xếp mọi nước đi trong việc đặt bẫy. Bà Vững cho người gọi điện thoại tới ông Thiện hỏi mua đất ở khu vực Mỹ Đình, từ đó biết lịch trình di chuyển của ông.

Bị cáo Vân nói không hề biết vật nhét trong cốp xe hơi của ông Thiện là ma túy mà chỉ thấy đó là một gói màu trắng. Mục đích Vân nhét gói này vào xe là để ông Thiện đi tù và không đánh đập mình nữa.

Trước những lời khai này, HĐXX cho rằng bị cáo Vân đang quanh co chối tội. Bởi lời khai của bị cáo tại CQĐT đã xác nhận Vân biết đó là gói ma túy. Bị cáo ý thức được mục đích của việc làm trên là cho ông Thiện đi tù nên không thể nói là không biết gói bột đó là ma túy.

Đối chất ngay tại tòa, bà Nguyễn Thị Vững khẳng định những lời khai của Vân chỉ đúng một phần nhỏ, còn lại đều sai sự thực. Cụ thể là bà không chỉ đạo Vân ra gốc cây lấy ma túy. Bà Vững cho biết có quen Vân và ông Thiện từ trước. Bị cáo Vân từng nhiều lần kể chuyện bị ông Thiện đánh đập nên bà chia sẻ dưới góc độ bạn bè.

Về việc báo tin cho cảnh sát biết chiếc xe của ông Thiện có chứa ma túy, bà Vững giải thích theo hướng hoàn toàn khác với lời khai của bị cáo Vân. Theo bà Vững, Vân có nói với bà rằng biết một chiếc ô tô chứa ma túy. Bà Vững kêu Vân cung cấp thông tin để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh. Vân đưa cho bà Vững một phong bì, trong đó chứa thông tin của ô tô nói trên.

Nhận được thông tin, bà Vững chuyển cho cơ quan công an xác minh, kết quả cho thấy ô tô là của một người đàn ông tên H. Khi lực lượng cảnh sát dừng xe, kiểm tra và phát hiện có ma túy, bà Vững cũng rất bất ngờ vì trong xe lại là ông Thiện và bị cáo Vân.

Bị cáo Nguyễn Thị Vân và bà Nguyễn Thị Vững (cúi mặt) tại phiên xử. Ảnh: TP

Đoạn ghi âm then chốt

Tại tòa, ông Nguyễn Văn Thiện khẳng định không nhất trí với cáo trạng của VKS khi xác định Vân là người duy nhất thực hiện hành vi trong vụ án này. Ông cho rằng đây là hành vi rất bỉ ổi, động cơ thực sự của bị cáo ngoài việc mâu thuẫn tình cảm thì còn muốn chiếm đoạt tài sản.

Ông Thiện cho hay đã nộp rất nhiều chứng cứ cho CQĐT, cho thấy Vân thuê bà Vững 1 tỉ đồng để gài bẫy, trong đó có đoạn ghi âm dài ba tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, CQĐT lại chỉ trích nội dung đến phút thứ 59, điều này là thiếu khách quan, bỏ lọt chứng cứ của vụ án…

Trước tòa, ông Thiện đọc một đoạn trong ghi âm trên, được cho là cuộc nói chuyện giữa Vân và bà Vững xoay quanh việc gài bẫy ông. Tuy nhiên, bà Vững cho biết mình không hề nói với Vân về chuyện này.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Thiện sau đó cũng công bố một đoạn ghi âm ngắn, đồng thời cho rằng cơ quan giám định chỉ trích sao đến phút thứ 59 trong đoạn ghi âm mà ông Thiện xuất trình là không khách quan. Luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ chi tiết này.

Sau ít phút hội ý, tòa quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung nhiều tình tiết quan trọng. Trong đó, tòa cho rằng cần phải xác định nguyên nhân, mục đích, động cơ phạm tội của bị cáo. Việc CQĐT tách tài liệu để điều tra về hành vi của bà Nguyễn Thị Vững và nam thanh niên đưa ma túy là không đúng quy định, ảnh hưởng tới sự thật khách quan. HĐXX cũng cho rằng cần xác định các đoạn ghi âm có bị cắt ghép hay không, nội dung toàn bộ của đoạn ghi âm dài hơn ba tiếng là gì…

Có thể chuyển hồ sơ lên cấp trên điều tra

Nhiều ý kiến cho rằng vụ án có liên quan đến hành vi của nữ thượng úy công an Nguyễn Thị Vững thì thẩm quyền điều tra có thuộc CQĐT của VKSND Tối cao? Theo một điều tra viên cao cấp của CQĐT VKSND Tối cao thì khoản 3 Điều 163 BLTTHS 2015 quy định thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSND Tối cao là điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại chương XXIII và chương XXIV của BLHS xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, tòa án, VKS, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Do đó, CQĐT VKSND Tối cao chỉ vào cuộc khi điều tra viên điều tra trong vụ án ma túy có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Bà Vững chỉ là cán bộ công an, không phải là người của CQĐT nên không thuộc thẩm quyền của CQĐT VKSND Tối cao. Mặt khác, vụ án hiện nay cũng đang trong quy trình tố tụng, tức tòa án mới trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu cho rằng vụ việc phức tạp thì cơ quan tố tụng quận có thể đề nghị hoặc cấp trên là Công an TP Hà Nội hoặc Bộ Công an có thể rút hồ sơ lên để điều tra cho khách quan.

Tác giả: TUYẾN PHAN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok