Ông Lưu Cường Đông có khối tài sản ước tính nhiều tỷ USD |
Bữa tiệc với hơn 20 khách mời
Lưu Cường Đông, người sáng lập kiêm CEO của trang bán lẻ trực tuyến Trung Quốc JD.com, bị bắt tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, vào tối 31/8 do có hành vi phạm tội liên quan tới tình dục.
Người tố cáo là một sinh viên 21 tuổi tại Đại học Minnesota. Theo những bằng chứng một hãng thông tấn nước ngoài thu thập được, vào đêm tỷ phú Trung Quốc có mặt tại căn hộ của nữ sinh, cô đã gửi một tin nhắn qua WeChat cho bạn mình, nói rằng Lưu ép cô quan hệ tình dục với ông.
"Mình chưa sẵn sàng. Ngày mai mình sẽ nghĩ cách trốn thoát", cô gái gửi đi tin nhắn bằng tiếng Trung vào khoảng 2h sáng ngày 31/8, đồng thời cầu xin bạn mình không gọi cảnh sát.
"Nhưng ông ấy sẽ ngăn cản điều đó. Cậu đánh giá thấp quyền lực của ông ấy rồi", sinh viên 21 tuổi đề cập tới Lưu. Will Florin, một trong các luật sư của cô gái, xác nhận những tin nhắn này là của thân chủ mình.
Lưu tới Minneapolis trong thời gian ngắn để tham dự chương trình đào tạo tiến sĩ kinh doanh do Đại học Minnesota liên kết với Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc thực hiện. Tỷ phú đã tổ chức một bữa tiệc vào tối ngày 30/8 tại nhà hàng Nhật Bản Origami Uptown với hơn 20 khách mời, chủ yếu là đàn ông.
Bữa tiệc kết thúc vào khoảng 21h30 với hóa đơn 2.200 USD. Cảnh quay từ camera an ninh cho thấy một vị khách say xỉn phải nhờ đến sự trợ giúp của ba người khác để ra khỏi nhà hàng. Nữ sinh đã nhắn tin cho một người bạn khác, nói rằng cô bị ép uống rượu tối hôm đó. "Đấy là một cái bẫy. Mình đã thực sự say", cô viết.
Các nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ Lưu và cô gái đã tới một ngôi nhà ở Minneapolis, nơi bạn cùng lớp của Lưu thuê để có chỗ tụ tập, hút thuốc và uống rượu mỗi đêm. Tuy nhiên, nguồn tin khác cho biết hai người này chỉ xuất hiện bên ngoài căn nhà, sau đó cùng lên xe để tới địa điểm khác.
Trong tin nhắn gửi cho bạn, nữ sinh nói rằng Lưu "bắt đầu động chạm" cô khi ở trong xe. "Sau đó mình xin ông ấy đừng làm vậy, nhưng ông ấy không nghe", cô viết. Cuối cùng, hai người đã tới căn hộ của nữ sinh, nguồn tin cho biết.
Theo báo cáo của cảnh sát, vụ cưỡng bức xảy ra vào khoảng 1h sáng ngày 31/8. Cảnh sát tới căn hộ ngay sáng hôm đó sau khi nhận thông báo của bạn cô gái. Lưu vẫn đang ở căn hộ khi cảnh sát tới, nhưng tỷ phú chưa bị bắt. Diễn biến sự việc tại thời điểm này chưa được làm rõ.
Cô gái sáng 31/8 nhắn tin với bạn mình rằng cô không biết lý do tỷ phú để ý tới "một cô gái bình thường" như mình. "Nếu chỉ có mình bị như vậy, mình có thể tự tử ngay lập tức. Nhưng mình sợ bố mẹ sẽ đau khổ", cô viết. Nữ sinh tiết lộ thêm rằng sẽ giữ lại khăn trải giường để làm bằng chứng.
Cảnh sát đã tới Đại học Minnesota sau cuộc gọi khẩn cấp lúc 21h tối 31/8. Trước sự có mặt của các đại diện trường, cô gái đã cáo buộc Lưu tội cưỡng bức. Lưu tới văn phòng nhà trường vào khoảng 23h. Theo lời kể của nhân chứng, Lưu không bộc lộ cảm xúc gì khi bị cảnh sát còng tay, đồng thời yêu cầu một phiên dịch viên.
Được thả sau 17 tiếng bị bắt
Lưu được thả vào chiều 1/9, 17 giờ sau khi bị bắt, bởi cảnh sát cho rằng không cần tiếp tục giam ông trong thời gian điều tra. Tỷ phú này cũng không bị buộc tội, đồng thời phủ nhận bất cứ hành vi sai trái nào. Ông quay lại Bắc Kinh và tiếp tục lãnh đạo công ty vài ngày sau đó. "Không có sự gián đoạn nào trong hoạt động kinh doanh hàng ngày của JD.com", Loretta Chao, phát ngôn viên của công ty cho biết.
"Những cáo buộc này không tương thích với bằng chứng mà chúng tôi hy vọng có thể tiết lộ với công chúng khi vụ án khép lại", Jill Brisbois, luật sư của Lưu, bình luận về các tin nhắn báo chí công bố, đồng thời nhấn mạnh sự vô tội của thân chủ. Bà Loretta Chao cũng nói rằng "mọi chuyện sẽ rõ ràng" khi các chi tiết trong sự việc được công bố, và "các tin nhắn không nói lên toàn bộ câu chuyện".
Florin Roebig và Hang & Associates, các công ty luật đại diện cho nguyên đơn, khẳng định nữ sinh này "hoàn toàn hợp tác" với cảnh sát và đã chuẩn bị hỗ trợ các công tố viên. Khi được hỏi liệu thân chủ có kế hoạch khởi kiện dân sự hay không, Florin cho biết "quyết định về pháp lý với ông Lưu và những người khác sẽ được tiết lộ tại thời điểm thích hợp".
Hình ảnh Lưu Cường Đông tại sở cảnh sát hạt Hennepin, bang Minnesota hôm 31/8. |
Sở cảnh sát Minneapolis đã chuyển kết quả điều tra ban đầu cho các công tố viên địa phương để quyết định có buộc tội Lưu hay không, nhưng quá trình này không có thời hạn.
Như XLPL đã có bài phản ánh, cáo buộc chống lại Lưu thu hút sự chú ý của dư luận bởi tỷ phú 45 tuổi này được ca ngợi như một tấm gương khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, Chương Trạch Thiên, người vợ 24 tuổi của Lưu, là một người nổi tiếng ở Trung Quốc với biệt danh "em gái trà sữa"sau khi bức ảnh cô cầm cốc trà sữa được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Là trang thương mại điện tử lớn thứ hai ở Trung Quốc sau Alibaba, JD.com thu hút các nhà đầu tư lớn như Walmart, Google, Tencent. Theo một số liệu, tính đến đầu năm 2018, Lưu sở hữu khối tài sản khoảng 12,7 tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu công ty đã giảm khoảng 15% từ khi xảy ra sự cố tại Mỹ và tụt dốc khoảng 36% trong năm nay.
Theo hồ sơ của cảnh sát, Lưu bị nghi ngờ có hành vi cưỡng hiếp cấp độ một. Chính quyền bang Minnesota xác định cưỡng hiếp cấp độ một là mức độ phạm tội nghiêm trọng nhất liên quan đến hành vi "xâm hại tình dục người khác". Nếu bị truy tố và kết tội, Lưu có thể phải đối mặt với án tù lên tới 30 năm.
Vì sao đã là tỷ phú vẫn đi học?
Sở hữu khối tài sản trị giá nhiều tỷ USD cùng các hoạt động kinh doanh trải rộng toàn cầu như đã nói ở trên, Lưu vẫn dành những ngày cuối cùng của tháng 8 tại Minneapolis để hoàn thành chương trình tiến sĩ quản trị kinh doanh Mỹ - Trung của Đại học Minnesota. Tại sao một trong những thương nhân thành công và nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc lại chọn việc học tập tại Minneapolis? Đó là một phần bí ẩn quanh những ngày Lưu ở Mỹ.
Lưu là sinh viên của Trường Quản trị Carlson thuộc Đại học Minnesota. Chương trình tiến sĩ mà Lưu theo học là sự hợp tác giữa Đại học Minnesota và Đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh giá bậc nhất ở Trung Quốc. Khóa học chủ yếu diễn ra ở Bắc Kinh với một nhóm sinh viên đặc biệt có độ tuổi trung bình 50 và nhiều người trong số đó là lãnh đạo các doanh nghiệp.
Khóa học này nhằm đáp ứng nhu cầu của một nhóm người đang tăng nhanh ở Trung Quốc: Các giám đốc điều hành cấp cao. Không giống như Mỹ, nơi các tỷ phú công nghệ như Mark Zuckerberg, Bill Gates dám rời bỏ trường đại học để khởi nghiệp, các giám đốc điều hành Trung Quốc tìm kiếm sự tán dương về học vấn sau khi đã có một sự nghiệp ổn định.
"Nếu bạn có tấm bằng cao hơn và nền giáo dục tốt hơn, bạn sẽ được công nhận nhiều hơn. Trung Quốc rất chú ý đến bằng cấp", Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa nhận định.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Lưu Cường Đông, vấn đề không chỉ ở học vấn. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang thăm dò thị trường nước ngoài hy vọng sẽ thâm nhập mạng lưới và hiểu rõ mục tiêu lâu dài của họ.
"Đối với những người như Richard Liu, mục đích của họ không phải nhằm hiểu biết nhiều hơn người khác. Ông ấy tham gia khóa học chắc chắn nhằm mở rộng tầm nhìn, học ý tưởng mới để hiểu hơn về xã hội và thị trường Mỹ", một cựu sinh viên trường Carlson nhận định.
Sri Zaheer, hiệu trưởng trường Carlson, cho biết khóa học của Lưu thường kéo dài 4 năm. Giữa khóa học, sinh viên sẽ đến Minnesota vào mùa hè, làm việc với các cố vấn dày dạn kinh nghiệm và gặp giám đốc điều hành hàng đầu của những doanh nghiệp địa phương có tiếng.
"Họ đang ở giai đoạn cảm thấy mình có thể thành công trước khi có cơ hội để thực sự nghĩ tại sao và như thế nào", Zaheer nói về các giám đốc điều hành tham gia khóa học.
Nhưng đó không phải toàn bộ công việc của các nhóm sinh viên cấp cao khi họ đến Minneapolis. Một phần quan trọng của khóa học liên quan đến việc mang đến cho các giám đốc điều hành Trung Quốc sự trải nghiệm về nước Mỹ. "Họ từng được đưa đi xem các trận bóng bầu dục và Viện Nghệ thuật Minneapolis nên chúng tôi cũng muốn cho họ tiếp xúc thêm với văn hóa Mỹ", bà nói thêm.
Mặc dù căng thẳng Mỹ - Trung tăng cao, Đại học Minnesota vẫn tiếp tục chào đón các sinh viên đến từ châu Á. Đây cũng là một trong những trường đầu tiên tiếp tục trao đổi sinh viên sau khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào cuối những năm 1970. Năm 2008, trường mở văn phòng ở Bắc Kinh để tăng cường hợp tác.
Theo Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, xu hướng lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài học mới chỉ bắt đầu và sẽ tăng lên. "Nó sẽ tăng lên bởi vì có nhiều doanh nhân muốn nghiên cứu về những vấn đề mới, thách thức mới", Wang nói. "Nền kinh tế thị trường không bắt đầu ở Trung Quốc, bởi vậy khá dễ hiểu khi doanh nhân tìm đến các trường nước ngoài để học tập và nghiên cứu".
Một tờ báo nước ngoài cho rằng những doanh nhân như Lưu "trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc như một sức mạnh toàn cầu". "Sách của họ là những cuốn bán chạy nhất. Những bài phát biểu của họ về thành công và kinh doanh liên tục được phát trên các màn hình TV tại sân bay. Cuộc sống riêng của họ được bàn tán sôi nổi trên các báo lá cái. Trên thực tế, họ là những ngôi sao nhạc rock trong Thời đại Vàng của Trung Quốc và ông Lưu là một trong những ngôi sao sáng nhất", tờ này viết.
Tác giả: Kim Giang
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam