Những ngày qua dư luận vẫn chưa hết hạ nhiệt vì câu chuyện một giáo viên tiểu học chấp nhận quan hệ tình cảm với hiệu phó của nhà trường để được “sắp xếp và tạo điều kiện vào biên chế”.
Sự việc chỉ vỡ lở khi giáo viên này đòi chia tay và vị hiệu phó kia đã tung clip sex lên mạng xã hội. Rồi những câu chuyện như sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp phải chuẩn bị một món tiền khá lớn để “chạy” vào một trường nào đó. Rồi có những người lại chọn cách lập nghiệp xa nhà, lên vùng cao để sau này có điều kiện về dưới xuôi sẽ được…vào biên chế. Có thể thấy, hai từ “biên chế” đối với giáo viên vẫn là niềm mơ ước đến nỗi họ chấp nhận hi sinh nhiều thứ chỉ để được…vào biên chế.
Nữ giáo viên chấm dứt “duyên nợ” với sư phạm vì không… “chạy” được việc (ảnh minh họa) |
Chia sẻ về con đường đầy chông gai trên con đường cố sức để vào biên chế nhưng thất bại vì…không có tiền. Chị Nguyễn Hà Phương (Vũng Tàu) cho hay: “Ngày 20 Tháng 8 năm 2012 tôi ôm tấm bằng khá học trường ngành Sư phạm Thể Dục Thể Thao của Đại học Quy Nhơn từ Thanh Hóa vào Đồng Nai xin đi dạy vào các trường cấp 1 ở một huyện vùng núi. Khi tôi chuẩn bị thi biên chế, một người đàn ông tôi xin phép không nhắc đến tên đã hẹn tôi ở quán cafe bàn về thi viên chức.
Người này nói với tôi rằng, chỉ cần mang 30 triệu gọi là nộp phí đi thi thì tôi sẽ có trong danh sách thí sinh đỗ. Thế nhưng khi tôi hỏi thế có giấy tờ gì để hai bên “tin tưởng” nhau không thì bên đó nói không giấy tờ gì hết.
Tôi chỉ hỏi để biết thôi, chứ một sinh viên nghèo ra trường không có nổi 3 triệu mua xe cà tàng mà đi phải đi mượn đứa bạn 400 nghìn mua xe đạp thì lấy đâu ra 30 triệu mà chạy biên chế. Rồi sau đó, đúng là tôi đã thi trượt biên chế. Từ đó tôi không còn tin vào cuộc thi mang tên “thi vào biên chế” nữa.
Tôi dạy hợp đồng ở Đồng Nai một thời gian thì cũng bị “đánh bật” vì không có tiên “bôi trơn” khi hợp đồng hết hạn. Tôi vẫn kiên trì cầm tấm bằng từ Bắc vào Nam xin đi dạy mà không xin nổi. Cuối cùng, tôi phải chấm dứt duyên nợ với sư phạm chỉ vì không “chạy được việc”.
Nữ giáo viên này tâm sự thêm: “Hiện giờ tôi làm trái ngành nhưng thu nhập cũng ổn để duy trì cuộc sống. Bạn bè cùng lớp đại học với tôi, mấy đứa giỏi, gia đình khó khăn thì đều làm trái nghề vì không xin được đi dạy nhưng thu nhập rất tốt.
Còn mấy đứa học kém thi rớt tả tơi, phải “xin” điểm để ra trường lại làm thầy cô hết rồi. Đơn giản vì gia đình các bạn ấy có điều kiện”.
Chia sẻ thêm về câu chuyện giáo viên mất hàng trăm triệu, thậm chí chấp nhận “đổi tình” để được vào biên chế, cô Lê Thị Loan – Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: “Đó là câu chuyện có thật và nó đang diễn biến ở xung quanh chúng ta. Nó phổ biến đến mức, sinh viên sư phạm cứ ra trường là những gia đình có điều kiện chuẩn bị hàng trăm triệu và tìm nơi để “nhét” con vào biên chế.
Tôi có một người quen ở Hải Dương, khi con anh này tốt nghiệp sư phạm Văn (ĐH Sư phạm Hà Nội), bố mẹ đã phải bán cả đất để “chạy việc” cho con. Rồi cô giáo ở Đăk Lăk chấp nhận ngoại tình với hiệu phó để được vào biên chế. Rồi giờ đây sự việc vỡ lở, việc cũng mất, danh dự cũng mất, gia đình cũng tan vỡ.
Tôi cũng không hiểu cứ thế này rồi nền giáo dục của chúng ta sẽ về đâu? Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một môi trường giáo dục đàng hoàng, công khai, minh bạch rồi. Điều quan trọng bây giờ là phải rà soát lại cả hệ thống, loại những kẻ tha hóa phẩm chất khiến ngành sư phạm vẩn đục ra khỏi ngành để làm gương cho người khác. Có thế chúng ta mới hi vọng có một nền giáo dục tiên tiến. Bởi lẽ, giáo dục thành công hay thất bại nhân tố người thầy là quan trọng nhất”.
Tác giả: Hoàng Thanh
Nguồn tin: Báo Infonet