Chồng mất khi con trai lớn được 4 tuổi, con gái thứ 2 mới 3 tháng tuổi, 10 năm nay, người phụ nữ ấy phải một mình bươn chải để nuôi dạy 2 con ăn học. Cô Thanh tâm sự: “Ngày chồng mất, tôi đang ở cữ đứa thứ 2. Khoản nợ mấy trăm triệu vay cho chồng đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc còn chưa trả được đồng nào thì lại phát sinh khoản vay để đưa thi hài chồng về. Đám tang chồng chưa được bao lâu thì các chủ nợ thi nhau đòi ráo riết, tôi như rơi vào hố sâu tuyệt vọng khi một nách 2 con cùng số nợ hàng trăm triệu đồng”.
Sóng gió cuộc đời ập đến tưởng chừng như sẽ quật ngã người phụ nữ ấy, nhưng cô đã gượng dậy, vững vàng vượt qua và làm chỗ dựa vững chắc cho các con. Nay cậu con trai lớn đã học lớp 9, con gái đã học lớp 4. Cả 2 cháu đều chăm ngoan, học giỏi và rất thương mẹ.
Dường như mất mát to lớn phải trải qua khi tuổi xuân còn phơi phới đã rèn cho cô một bản lĩnh kiên cường. Vừa làm mẹ, vừa làm bố của các con, cô cũng tự lập trong tất cả mọi việc. Không chỉ chu toàn việc gia đình, trong công tác, cô luôn được lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá cao.
Cô Hoàng Thu Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cương Gián I cho biết: “Trường có 41/43 cán bộ, giáo viên là nữ, hoạt động nữ công và công đoàn dưới sự tham mưu, tổ chức của cô Thanh diễn ra sôi nổi, đạt kết quả cao trong các hội thi. Cũng chính vì nữ chiếm số đông nên hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, trồng rau, nuôi gà… thu hút sự tham gia nhiệt tình của chị em. Nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp huyện, tiên phong trong mọi phong trào của ngành giáo dục, cô Thanh luôn được đồng nghiệp tin yêu, học sinh quý mến”.
Khi được hỏi về những kỷ niệm với nghề, cô Thanh chia sẻ: “21 năm trong nghề dạy học, có lẽ câu chuyện về cậu học trò mắc chứng bệnh tự kỷ để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, cảm xúc sâu nặng nhất. Em bước vào lớp 1 do tôi chủ nhiệm khi không biết nói, tính khí thất thường, không giao tiếp với bất kỳ ai. Với kiến thức ít ỏi về việc dạy học sinh tự kỷ, lúc bấy giờ thực sự là một thách thức đối với tôi. Tôi đã phải tìm hiểu thêm qua sách báo, mạng internet và đồng nghiệp, dần dần học cách tiếp cận, làm quen với em. Không chỉ làm cô giáo, tôi còn phải học cách làm bạn, học cách chơi với em ngoài giờ lên lớp. Trong tim tôi luôn mang một quyết tâm phải làm được cái gì đó cho cậu học trò này. Sau một thời gian kiên trì, nỗ lực, em ấy đã biết nói, thậm chí dần tập đọc, tập viết. Giờ cậu bé năm nào đã học lớp 6, em và gia đình vẫn không quên cô giáo, thường xuyên đến thăm và coi cô như người nhà. Đó có lẽ là món quà quý giá nhất mà tôi nhận được trong những năm tháng đứng trên bục giảng”.
Với những cống hiến trong công tác giảng dạy và hoạt động công đoàn, cô Phan Thị Thanh đã được Công đoàn Giáo dục tỉnh, Liên đoàn Lao động huyện tặng giấy khen. Vượt lên hoàn cảnh để khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của mình, cô đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt trong thời đại mới.
Tác giả bài viết: Kiều Minh
Nguồn tin: