Cuộc sống

Nỗi lòng mẹ đơn thân

Tuần qua, quy định của Bộ Y tế về việc cho phép phụ nữ độc thân, cặp vợ chồng vô sinh có quyền sinh con nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chính thức có hiệu lực. Câu chuyện về những bà mẹ đơn thân lại một lần nữa trở nên nóng bỏng, với cả những niềm vui, nỗi buồn.

Hạnh phúc trọn vẹn luôn là ước muốn của mọi gia đình. Ảnh: HIẾU NGHĨA

“Được” làm mẹ đơn thân

Mẹ đơn thân xét về từ ngữ chỉ trường hợp người mẹ nuôi con mà không có bố. Thế nhưng, trong thực tế hội các bà mẹ đơn thân đã từng tự đưa ra định nghĩa về người mẹ đơn thân là những người “được” làm mẹ đơn thân. Theo các chị, các mẹ thì điều này bắt nguồn từ việc bản thân người mẹ muốn như vậy chứ không phải vì các lý do khách quan khác như chồng mất, chồng chủ động ly hôn… bởi những trường hợp đó, tuy cũng là mẹ nuôi con nhưng hình ảnh, vai trò của người bố vẫn có một vị trí quan trọng.

Theo một khảo sát của chương trình chuyển động 24h (Kênh VTV1) với hơn 600 phụ nữ tham gia thì có tới 10% là bà mẹ đơn thân, 15% còn lại cho rằng sẽ chịu đựng gia đình chồng trong vòng 1 - 3 năm để con khôn lớn rồi cũng sẽ lựa chọn cuộc sống đơn thân và đặc biệt 50% người tham gia khảo sát cho rằng họ đã hơn 1 lần nghĩ đến việc làm mẹ đơn thân. Lý do, theo khoảng 70% số phụ nữ quyết định làm mẹ đơn thân đều cho biết đã từng bị phản bội, hoặc hôn nhân tan vỡ và họ chủ động trở thành mẹ đơn thân. Số còn lại, lựa chọn làm mẹ đơn thân vì có cảm giác tiêu cực với hôn nhân khi nhìn thấy những tấm gương không mấy vui vẻ trong cuộc sống hôn nhân của những người họ quen biết.

Tại hội thảo về người mẹ đơn thân trong cuộc sống hiện đại, tổ chức tại Nhà văn hóa Phụ nữ đầu năm 2019, nhiều ý kiến đã cho rằng chính ở một xã hội hiện đại khiến việc lựa chọn làm mẹ đơn thân tăng lên. Xã hội với cái nhìn phóng khoáng hơn giúp các bà mẹ đơn thân phần nào nhận được nhiều sự đồng cảm và sẻ chia hơn từ những người xung quanh. Điều này đã góp phần “cổ vũ” người phụ nữ tin tưởng vào sự lựa chọn không lấy chồng này.

Dạo qua các diễn đàn dành cho bà mẹ đơn thân, có thể thấy đa phần là hình ảnh hạnh phúc. Nếu không lấy chồng, các bà mẹ có thể tự mình tạo ra những quy tắc. Có thể tự do ngủ nướng ngày cuối tuần, nấu ăn tại nhà hay đưa con đi ăn hàng quán mỗi khi thích mà không cần bận tâm bố mẹ chồng, hay chồng có ý kiến gì hay không. Họ cũng chẳng cần phải bận tâm chồng đang ngoại tình hay chung thủy, không cần phải lo lắng chuyện ăn diện, nhan sắc để giữ chồng mà chỉ đơn thuần quan tâm nhan sắc vì yêu bản thân và tận hưởng cuộc sống. Nhiều bà mẹ đơn thân đều khẳng định, không có đàn ông cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều, vui vẻ và hạnh phúc.

Khát khao hạnh phúc

Chỉ cách nay vài ngày, một chàng trai 17 tuổi tâm sự trên diễn đàn vozforum rằng cậu tình cờ vào Facebook một người bạn gái của chị mình, đang làm mẹ đơn thân. Chị có 1 con gái, và những hình ảnh chị đưa trên mạng đều chứa đầy niềm vui. Nào là đi chơi, ăn uống, rồi du lịch đây đó… chị tự hào khoe với mọi người những món quà tự mua tặng chính mình, những kỳ nghỉ cuối tuần đầy ngẫu hứng. Kết luận, chị cho rằng cuộc sống làm mẹ đơn thân là tự do nhất, thoải mái nhất, hạnh phúc nhất… cậu trai trẻ kia theo thói quen viết vài dòng khen 2 mẹ con nhưng lại thuận tay viết câu cuối “chúc bé sau này cũng là người mẹ đơn thân mạnh mẽ, vui vẻ như mẹ nhé”. Thế là giông tố nổi lên, bà mẹ trẻ đến tận nhà bạn mình đòi xử “thằng vô học”, bao nhiêu người khác cũng xúm vào la mắng cậu, trong đó đa số cũng là các bà mẹ đơn thân.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc cảm giác hạnh phúc trong vai trò mẹ đơn thân chính là một hình thức tìm ra niềm vui trong nỗi buồn. Chẳng có ai mọi thứ đều tốt đẹp lại lựa chọn làm mẹ đơn thân cả. Ngay cả trường hợp chủ động không lấy chồng từ đầu thì nguyên nhân sâu xa có thể là từ bi kịch hôn nhân của bố mẹ, hay người thân tạo ra tâm lý tiêu cực với đời sống hôn nhân. Chính vì vậy, dù vui vẻ, hạnh phúc với lựa chọn của mình thì trong sâu thẳm, các bà mẹ đơn thân đều mong muốn có một hạnh phúc đầy đủ, trọn vẹn và cũng vì vậy, họ luôn muốn con mình có thể tìm được hạnh phúc như vậy hơn là đi theo con đường của họ.

Lý giải kỹ hơn, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH và NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội chỉ ra rằng lứa tuổi dễ làm mẹ đơn thân nhất là từ 18 đến 27 tuổi. Đây là giai đoạn người phụ nữ có khả năng sinh sản cao nhất, lại bắt đầu bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Thế nhưng, đây cũng là độ tuổi các cô gái trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sống, chưa có đủ bản lĩnh để quyết định điều gì đúng, điều gì nên hay không nên, điều gì có lợi cho bản thân mình… Và khi họ gặp va vấp, thất vọng, mất niềm tin vào tình yêu, người đàn ông, họ sẽ dễ dàng chọn lựa cuộc sống đơn thân nuôi con.

Không ai muốn làm mẹ đơn thân, đằng sau một người mẹ đơn thân là cả một tâm sự dài hoặc một phút lỡ lầm nào đó. Mặc dù bây giờ họ đã tự chủ về mọi thứ trong cuộc sống thì trái tim vẫn cần một tình yêu. Không người mẹ nào muốn con không có cha, không ai muốn mình đóng luôn vai người bố. Chính vì vậy, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, dù cái nhìn về mẹ đơn thân rất bình thường thì lời khuyên vẫn luôn là sự chấp nhận việc đơn thân nuôi con như một giải pháp bất đắc dĩ, đáng để chia sẻ, cảm thông nhưng không cổ xúy, khuyến khích. Bởi, giữ một mái ấm gia đình, gìn giữ hạnh phúc đôi lứa mới là hạnh phúc trọn vẹn nhất.

Tác giả: Thanh Hương

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải phóng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok