Công nhân nhiều lần yêu cầu Công ty CP Xây dựng Hancorp.2 nhanh chóng giải quyết chế độ cho NLĐ nhưng vẫn chưa được giải quyết. |
Quyền lợi bị “đánh cắp”
Việc nợ, trốn đóng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp (DN) sử dụng lao động không đơn thuần là ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của đơn vị, DN ấy; mà xa hơn và nghiêm trọng hơn, nó ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội, khi quyền lợi của không ít lao động đang bị “đánh cắp” trắng trợn và khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn khó.
Chị L.Th.Th., công nhân làm việc tại Công ty CP Xây dựng Hancorp.2, cho biết: Chị sinh con đã được hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ thai sản. Công việc trước đây của chị làm ở tổ sản xuất gạch vất vả, nặng nhọc nhưng nếu đi đầy đủ công thì thu nhập cũng chỉ được 3 triệu đồng/tháng. Những tháng nghỉ sinh, quyền lợi bảo hiểm không được hưởng khiến cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn.
Chị L.Th.L., công nhân Công ty TNHH TS Vina (Yên Định), cũng có chung bức xúc: Tôi làm việc ở công ty từ năm 2015, công ty thường xuyên chậm lương, nợ các khoản phụ cấp, đặc biệt là không đóng BHXH cho công nhân, khiến quyền lợi của chúng tôi bị ảnh hưởng. Vì công ty không đóng BHXH nên nhiều lao động sinh con cũng không được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Chị Th., chị L., chỉ là 2 trong hàng trăm trường hợp người lao động đang phải chịu hệ lụy từ việc chậm, trốn đóng bảo hiểm của nhiều đơn vị sử dụng lao động trên toàn tỉnh.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP Hancorp.2 đóng trên địa bàn xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa có số nợ đọng BHXH, BHYT lớn nhất trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng, thời gian nợ kéo dài hơn 6 năm qua. Đây cũng là DN đầu tiên tại Thanh Hóa trốn đóng, nợ đọng, bị cơ quan BHXH đề nghị điều tra xử lý hình sự.
Công ty TNHH TS Vina (Yên Định) là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hoạt động từ năm 2014, chủ của DN này là người Hàn Quốc. Trong quá trình hoạt động, công ty thường xuyên chậm trả lương cho người lao động, nợ chế độ ốm đau, thai sản của người lao động, nợ kinh phí công đoàn, đặc biệt là nợ BHXH từ tháng 4-2017 đến nay với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Hệ lụy là quyền lợi của người lao động bị xâm hại, dẫn đến công nhân đã nhiều lần ngừng việc tập thể, đình công; gõ cửa tới các cơ quan chức năng kêu cứu vì công ty không đóng tiền BHXH cho người lao động trong thời gian dài. Cụ thể, từ tháng 1-2018 đến hết tháng 12-2019, đã diễn ra 5 vụ công nhân ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi. Nhiều đoàn liên ngành của tỉnh, Trung ương về kiểm tra nhiều lần và đã xử phạt Công ty TS Vina hàng trăm triệu đồng; UBND huyện Yên Định đã lập đoàn kiểm tra để kiểm tra về việc chấp hành pháp luật lao động đối với công ty; BHXH huyện đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở nhưng công ty này cố tình chây ì. Các văn bản thông báo nợ, xử phạt nợ chậm nộp, thậm chí là các kết luận sau thanh tra, kiểm tra liên ngành đều không được công ty này thực hiện.
Trao đổi với lãnh đạo huyện Yên Định, được biết: Trong quá trình hoạt động, Công ty TS Vina đã không tuân thủ quy định Luật Lao động, quyền lợi của người lao động bị xâm hại, dẫn đến xảy ra các vụ nghỉ việc tập thể, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của địa phương. Hiện chúng tôi không thể liên lạc được với chủ DN là người Hàn Quốc. Toàn bộ văn phòng, nhà xưởng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đều là đi thuê. Vụ việc đã ngoài khả năng giải quyết của huyện, chúng tôi đã báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh để có hướng giải quyết.
“Khối u” nhức nhối
Theo báo cáo của BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 11-2020, toàn tỉnh có tới 2.059 đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền nợ 390,658 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số DN có số nợ lớn, thời gian nợ kéo dài, thậm chí đã được thanh, kiểm tra nhiều lần nhưng không chấp hành nghiêm kết luận thanh tra. Đơn cử: Công ty TNHH TS Vina (Yên Định) hiện giảm hết số lao động, trong khi còn nợ 44 tháng với số tiền hơn 18,568 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng số 5 nợ 75 tháng với số tiền gần 12,133 tỷ đồng, Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long chỉ còn 5 lao động, nhưng nợ kéo dài 89 tháng với số tiền gần 7,012 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng Hancorp.2 có 8 lao động, nợ 100 tháng với số tiền là 33,724 tỷ đồng; Công ty TNHH May Vạn Hà (Thiệu Hóa) có 1.276 lao động, nợ 13 tháng với số tiền là 15,773 tỷ đồng...
Kể từ ngày 1-9-2019, Nghị quyết số 05 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, hướng dẫn việc xử lý các tội danh vi phạm pháp luật về BHXH đã có hiệu lực thi hành. Theo đó, các hành vi gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT và tội trốn đóng bảo hiểm cho người lao động sẽ bị xử lý nghiêm minh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Thế nhưng đến nay kết quả xử lý không như mong đợi, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của hàng trăm công nhân, người lao động. Tình trạng DN nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn đang diễn ra và sẽ tiếp tục tăng thêm, nếu không có biện pháp giải quyết triệt để.
Bài 2: Cần giải pháp căn cơ.
Tác giả: Tô Hà
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa