Bạo hành kinh hoàng ở cơ sở Mầm Xanh
Xảy ra vào cuối năm 2017, hình ảnh clip ghi lại cảnh các bảo mẫu tại cơ sở mầm non Mầm Xanh (Q.12, TPHCM) hành hạ hàng loạt đứa trẻ gây chấn động cả nước. Những đứa trẻ bị bảo mẫu đánh, tát, lấy can nhựa gõ vào đầu, vào người mọi lúc mọi nơi. Chưa kể, bảo mẫu còn cầm dao gõ vào dọa làm đám trẻ khóc thét…
Bảo mẫu tại cơ sở mầm non Mầm Xanh, TPHCM tra tấn trẻ có thể nói là vụ bạo hành trẻ kinh khủng nhất trong năm 2017 (Ảnh cắt từ clip)
Ngoài những gì clip mô tả thì còn rất nhiều hình thức bạo hành mất nhân tính của các bảo mẫu tại cơ sở Mầm Xanh được phanh phui như trẻ bị bắt ngồi trên bô suốt ngày để bảo mẫu khỏi mất công thay quần áo, bé nhỏ bị nhốt khu vực riêng không có người trông nom cho đến việc bữa ăn bị cắt xén.
Ngay sau đó, chủ cơ sở Mầm Xanh là bà Phạm Thị Mỹ Linh đã bị tạm giam và truy tố. Điều đáng chú ý nhất trong vụ việc ở Mầm Xanh là trước khi sự việc báo chí thông tin ra dư luận thì cơ quan chức năng đã hai lần đi kiểm tra cơ sở này.
Cũng từ vụ việc bạo hành tại Mầm Xanh, TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc họp, ra nhiều công văn khẩn về việc kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời, đưa ra đề xuất các cơ sở tư thục, nhóm lớp phải lắp camera để giám sát.
Bảo mẫu đánh trẻ tàn bạo trong lúc cho ăn
Nhiều luật sự cho rằng, có xảy ra sự việc đau lòng tại cơ sở Mầm Xanh là do vụ bảo mẫu bạo hành trẻ tại điểm giữ trẻ số 214/77 Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM không được xử lý đến nơi đến chốn.
Tại cơ sở này, người dân đã ghi lại cảnh bảo mẫu bạo hành lúc cho trẻ ăn. Theo đó, hai bảo mẫu bắt trẻ nằm ngửa ra, liên tục múc cháo đổ vào, bé nào không nuốt thì bị đánh vào đầu, vào mặt để khóc phải há miệng ra. Có những bé không kịp, bị ói ra liền bị cô giữ trẻ đánh vào đầu, vào đùi, tán vào mặt để bé khóc, há miệng ra. Phần cháo bé ói ra, họ đút cho bé ăn lại.
Kể cả khi tắm, các bé ngọ nguậy cũng bị hai cô quát tháo, chỉ tay vào mặt rồi đánh khiến các bẻ hoảng sợ khóc thét, càng khóc nhiều thì càng bị đánh nặng hơn. Một bé nam khoảng 2 tuổi khi bị cô đánh vào đầu đã lấy tay lên che đầu. Một cô liền kéo tay bé xuống, tiếp tục đánh.
Đây là một nhóm trẻ hoạt động tự phát không phép. UBND Phường cũng đã kiểm tra và yêu cầu làm giấy cam kết đảm bảo an toàn mọi mặt cho trẻ.
Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, cơ quan công an đã không khởi tố các bảo mẫu tại điểm giữ trẻ này do không đủ cơ sở, giám định vết thương các bé bị đánh không có thương tích.
Hiệu trưởng, giáo viên dọa cắm điện, thả vào máy vặt lông gà bé 4 tuổi
Hiệu trưởng và giáo viên Trường mầm non xã Xuân Giao (Bảo Thắng, Lào Cai) đã dọa cắm điện, bế ngược cháu Nguyễn Gia Huy (4 tuổi) thả vào máy vặt lông gà làm cháu khóc lóc, hoảng loạn, sợ hãi. Bố cháu đã tận mắt chứng kiến và quay lại clip hành vi này.
Với hành vi này, cô hiệu trưởng Vũ Thị Hằng bị giáng một chức. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, đã phát hiện ra một số sai phạm khác liên quan đến thu chi tài chính. Do đó, cô Hằng bị cách chức và điều động sang giảng dạy tại trường khác.
Hai cô giáo còn lại có liên quan đến sự việc bị kỷ luật cảnh cáo và điều động chuyển sang trường khác, tạm thời làm nhân viên trường học không trực tiếp giảng dạy.
Cô giáo dùng dép tổ ong đánh vào mặt trẻ
Sự việc xảy ra vào đầu năm 2017, hai cô giáo tại nhóm lớp Sen Vàng (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) là Đặng Thị Bình và Nguyễn Thị Hồng Ngát có những hành vi bạo hành trẻ làm nhiều người choáng váng.
Trong clip gần 2 phút được đăng tải trên mạng xã hội ghi cảnh một cô giáo cầm dép đập nhiều cái vào đầu, mặt một bé trai do bé đi tiểu ở cửa lớp. Tiếp đến là cảnh một cô dùng vật cứng đập vào đầu bé khác cùng lời đe dọa "ngậm mồm". Cuối video, một cô giáo mặc đồ thể thao, hai tay đút túi quần, dùng đầu gối thúc nhẹ vào bụng một bé đang khóc kèm lời quát tháo phải nín ngay.
Ngay sau khi sự việc được phát hiện, quản lý cơ sở này đã quyết định chấm dứt hợp đồng với hai cô giáo trên, đồng thời cũng đã chủ động xin giải thể cơ sở.
Cô giáo đánh bầm đùi bé 27 tháng
Hình ảnh bé Phạm Thu Phương (27 tháng tuổi) bị cô giáo tại trường mầm non tư thục Thanh Xuân Nam, (Đông Hương, thành phố Thanh Hóa) đánh cũng gây phân nỗ dư luận.
Sau khi bố mẹ cháu Phương đến trường yêu cầu làm rõ sự việc, cô giáo Ngô Thị Thùy Linh đã từng nhận mình dùng đũa đánh cháu. Lý do là khi đi vệ sinh cháu vùng vằng, đạp vào bụng cô Linh rồi khóc, làm cô nóng giận lấy đũa ăn cơm đánh.
Sau khi đình chỉ cô Linh, Trường mầm non Thanh Xuân Nam đã ký quyết định kỷ luật sa thải đối với cô giáo Linh căn cứ vào những vi phạm mà cô Linh mắc phải như: Vi phạm Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, vi phạm nội quy quy chế của nhà trường; vi phạm về quy định đạo đức nhà giáo; vi phạm điều 4 hợp đồng lao động tại nhà trường…
Giáo viên dốc ngược đầu trẻ, dọa ném qua cửa sổ
Một ngày giữa tháng 2/2017, hình ảnh giáo viên tại cơ sở mầm non Apollo ở quận Bình Thạnh, TPHCM dốc ngược đầu cháu bé 22 tháng tuổi, dọa ném qua cửa sổ được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Tại TPHCM, trong năm 2017 có đến 3 vụ bạo hành trẻ gây hoang mang dư luận. Đây là cảnh giáo viên tại cơ sở Apollo ở quận Bình Thạnh dốc ngược, dọa ném trẻ qua cửa sổ
Hình ảnh được cắt ra từ camera trong lớp học chụp lại cảnh trong giờ ăn của trẻ. Khi các trẻ đang ngồi trong bàn ăn, phía cửa sổ hình ảnh một phụ nữ dùng hai tay nhấc cao một bé nhỏ ra hướng cửa sổ. Hình ảnh thứ hai, người này tiếp tục dốc đầu trẻ xuống dưới, hai chân trẻ ngược lên trên làm nhiều người xem... phải rụng tim.
Về phía cô giáo có hành vi này, cô cho biết đó chỉ là “giỡn”, với các cháu bé, nhất là khi gặp tình huống bé nào không chịu ăn, ăn chậm. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, cơ sở này đã chủ động xin giải thể.
Bảo mẫu hành hạ bé trai 2 tuổi giữa trời giá lạnh
Những ngày cuối năm, dư luận lại chảy nước mắt trước hình ảnh bé trai bị người giữ trẻ tại điểm trông trẻ tự phát trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) hành hạ giữa trời giá lạnh.
Bé trai không mặc quần được đặt trong chiếc thùng đựng nước và bị một người phụ nữ liên tục dùng cây gậy, một đầu buộc giẻ chà mạnh vào phần thân dưới của bé. Ngoài ra, người giữ trẻ này nhiều lần túm áo, xách bổng, quăng quật cháu… mặc cho bé khóc lóc.
Người giữ trẻ hành hạ cháu bé là bà Phạm Thị Vấn (SN 1954, trú tại thôn 7, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp). Tuy nhiên, do hành vi của bà Vấn chưa đủ yếu tố cấu thành tội nên không thể xử lý hình sự mà chỉ xử phạt hành chính. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cũng yêu cầu bà Vấn cam kết chấm dứt hoạt động giữ trẻ.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí