Đẻn biển
Đẻn chính là một loài rắn biển, thân nhỏ và thon dài từ 1 đến 2 mét, có vảy, mình vằn da nhám, đuôi dẹt như cá mái chèo. Đầu con đẻn rất nhỏ, có phủ các phiến sừng. Trước đây, nghề săn đẻn chỉ có ở các bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Nhưng hiện nay, đây cũng là “cần câu cơm” của ngư dân vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Khi đánh bắt đẻn, ngư dân phải đối diện với rất nhiều nguy hiểm, thậm chí phải bỏ mạng vì nọc độc của đẻn rất mạnh. Nếu không có bài thuốc đặc trị, người bị đẻn cắn chỉ chừng nửa giờ đồng hồ là tắt thở.
Ngư dân quen gọi đẻn bằng cái tên “mãng xà biển”. |
Tuy nhiên, vì đặc sản này mang lại nguồn thu lớn nên nhiều người vẫn liều mình đánh bắt. Nếu muốn có bữa tiệc đẻn “ra trò”, khách hàng phải tốn tiền triệu trở lên. Các loại đẻn chủ yếu dùng để ngâm rượu thì có giá cao hơn nhiều.
Đẻn gồm rất nhiều loại, mỗi loại khi chế biến lại có hương thơm và vị ngọt khác nhau. Người dân Quảng Bình cũng chế biến được vô vàn các món ăn ngon từ đẻn, nào là cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc… Tuy nhiên, ram đẻn và đẻn ngâm rượu vẫn là hai món nổi tiếng nhất.
Kỳ nhông
Từ món ăn dân dã của người nghèo, kỳ nhông bỗng trở thành đặc sản với cái tên mỹ miều như “khủng long thời hiện đại”, khiến không ít thực khách lắm tiền nhiều của sốt sắng lùng sục để được thưởng thức.
Thịt kỳ nhông trắng, mềm, thơm và chế biến được rất nhiều món. Từ món nhông nướng đậm vị đến các món canh nhông, nhông nướng trui, nhông rô ti, cà ri nhông… đều vô cùng đặc biệt.
Tất cả những người đã từng thưởng thức thịt kỳ nhông đều nhận xét là “đáng đồng tiền bát gạo”. |
Để săn “khủng long thời hiện đại”, người dân vùng Quảng Nam phải đi dưới cái nắng như thiêu như đốt. Khi phát hiện ra nhông, họ phải đào những cái hố sâu từ 1,5 – 2m rồi nằm sát đất, mặt úp vào trong lòng hang để rướn theo chúng. Nguy hiểm ở chỗ, những đụn cát này có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
Thường thì khi sụp cát, nửa thân trên bị vùi kín, không thể thoát ra dẫn đến đuối sức, rất dễ chết ngạt. Những người đi săn kỳ nhông kỳ cựu cho biết, họ thường đi theo đôi để nếu có chuyện không may xảy ra, người còn lại phải cầm chân kéo người bị cát vùi thì mới có cơ may sống sót.
Cá mặt quỷ
Cá mặt quỷ sở hữu thân hình to lớn, thô kệch như một tảng đá với lớp da loang lổ màu nâu đỏ, sần sủi, lởm chởm gai góc. Thêm vào đó, cái miệng rộng ngoại cỡ và cặp mắt lồi khiến con cá khi được nhìn trực diện trông càng giống với những con quỷ trong trí tưởng tượng.
Cá mặt quỷ khiến người nhìn phải kinh hãi. |
Nhưng trái ngược với hình thù xấu xí đến gớm ghiếc, thịt cá có mùi vị rất ngon, lạ và giàu chất dinh dưỡng. Bởi lẽ đó, cá mặt quỷ là một trong số ít loại hải sản được ngư dân xếp vào hàng "hiếm và độc".
Tuy cá mặt quỷ được bán với giá cao, lên đến 600 - 700.000 đồng/kg, nhưng ngư dân cũng không dám đổ xô đi khai thác đặc sản này. Thậm chí nếu có gặp, những thợ lặn non tay cũng phải bỏ qua, không dám tiến lại gần. Bởi lẽ, vây lưng của cá là gai có mang độc tố, nếu bị đâm vào sẽ gây tác động đến hệ thần kinh, tim... nguy hiểm đến tính mạng.
Mặc dù mang độc nhưng thịt cá mặt quỷ ăn vô cùng ngon. |
Giới sành ăn cho rằng, cá mặt quỷ ăn chỉ no mà không biết ngán. Thế nên dù tên gọi có phần gây e ngại, loại hải sản này vẫn là món nằm trong thực đơn bán chạy nhất trong các nhà hàng.
Bọ cạp
Đối với người dân vùng Bảy Núi (An Giang), bò cạp là động vật vừa có thể làm thuốc trị bệnh, vừa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng. Bò cạp (người địa phương thường gọi là bù kẹp), có màu đen nhánh, 2 càng to, kích thước to cỡ bằng con dế cơm.
Để bắt được những con bò cạp chắc thịt, người dân phải trang bị một cây cuốc, một cây kẹp, một chiếc xô và phải lên tận núi mới có. Bò cạp thường sống trong hang đá hoặc các tầng lớp đất xốp dưới lá cây mục. Mùa nhiều nhất là những tháng nắng và đầu mùa mưa, một người vào rừng đi săn có thể bắt từ 100 đến 150 con/ngày.
việc săn bò cạp là vô cùng nguy hiểm. |
Những người chuyên săn bò cạp ở vùng Bảy Núi cho biết, nếu không phải dân trong nghề, rất khó nhận ra hang của bò cạp. Người có kinh nghiệm thì chỉ cần nhìn bằng mắt là phát hiện được và có thể dùng tay không bắt bò cạp.
Khi thấy nguy hiểm, bò cạp liền đưa hai càng to đùng và chiếc đuôi đầy nọc độc ra để phòng thủ. Tuy ban đêm bò cạp rất nhanh và dữ, nhưng ban ngày thì chỉ nằm một chỗ. Muốn bắt bò cạp, người đi săn cứ đè đuôi chúng xuống thì không bị cắn.
Hải sâm
Ở Phú Quốc, người ta còn gọi hải sâm là "đồn đột" hoặc "đột ngậu". Loài này được xếp vào "tứ đại danh giá" cùng óc khỉ, tay gấu, yến sào. Hải sâm có nhiều ở vùng biển Kiên Giang, nhưng ngon và to nhất là ở đảo Phú Quốc. Giá của nó trung bình từ 400.000 đến 1.500.000/ kg.
Tuy vẻ ngoài xấu xí nhưng hải sâm được xem là loài thuốc trị bách bệnh. |
Hải sâm xuất hiện nhiều ở các bãi đá ngầm sâu dưới biển, vì thế để bắt được nó không phải điều đơn giản. Để có được những con hải sâm giàu chất dinh dưỡng, ngư dân phải đi vào ban đêm và lặn xuống độ sâu 40-50 mét. Quy tắc của thợ lặn là không lặn dưới đáy biển quá 30 phút. Đến phút thứ 30, dù thợ có tìm được “ổ” hải sâm hay không thì cũng phải bắt buộc kéo lên, nếu không sẽ mất mạng. Đặc biệt, một số loại hải sâm chỉ khi biển động mới xuất hiện nên càng gây nguy hiểm cho ngư dân.
Tác giả: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí