Đời sống ẩm thực của người Việt vốn rất phong phú và đa dạng nên mỗi chuyến hành trình mang tên Chiếc thìa vàng tại mỗi cụm thi đều mang đến những điều thú vị, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác cho Ban tổ chức và Ban giám khảo.
Tại chặng thi thứ năm được tổ chức tại khách sạn Sapaly, Lào Cai vào ngày 25/8 với 27 đầu bếp đại diện cho các tỉnh cao nguyên Bắc bộ đã chiêu đãi toàn những món ngon mang đậm chất núi rừng.
Nhưng, điểm nhấn thực sự của cụm thi này là các đầu bếp dùng những loại gia vị mới lạ như bông cơm nếp, cải mèo, lá nhội, lá vòn vén, lá su siêng, khủ khởi… để nghiên cứu và nấu thành những món ăn ngon lành.
Cùng với đó là cách chế biến hết sức độc đáo, đặc biệt là món ăn và cách nấu nướng của đồng bào dân tộc kết hợp với kỹ thuật trang trí hiện đại, tinh tế đã chinh phục được các vị giám khảo khó tính của cuộc thi.
Đây là lần thứ hai Chiếc Thìa Vàng trở lại thành phố trẻ Lào Cai. Tổ chức được cuộc thi nấu ăn ở vùng đất địa đầu của Tổ quốc không phải là chuyện dễ dàng. Vận chuyển hàng chục tấn hàng hóa vượt ngàn cây số đường đèo đã là chuyện khó, chuyện khó hơn nữa là làm sao để thuyết phục các đầu bếp tham gia một cuộc thi ẩm thực chuyên nghiệp. Nhưng những cái khó đó không làm nản lòng Ban tổ chức, với mong muốn khai thác kho tàng ẩm thực độc đáo tại đây để làm giàu thêm hương sắc cho bản đồ ẩm thực Việt.
Không phụ lòng, các đội đã mang tới cuộc thi những món ăn ngon đặc sắc có tiếng lâu nay của vùng núi Tây Bắc như: Gà nướng mắc khén ăn kèm cơm gạo séng cù, bánh sữa đào (Khách sạn Sapaly Lào Cai); Nộm rau dớn tôm thịt, canh tiết cà đắng, lẩu gà bản ăn kèm bún (Khách sạn Châu Long); Súp nấm Sapa, lợn bản hấp hạt dổi ăn kèm cơm lam, canh khủ khởi (Khách sạn Amazing); Chả cá tầm - nộm măng rừng, lươn Tả Van om củ chuối rừng, đùi gà đen nhồi xôi nướng, canh nấm hương (Khách sạn Red Dao); Cá ngừ cuộn cải mèo ăn kèm khoai lang, sườn nướng rau răm ăn kèm cơm gạo nương, canh rau khủ khởi (Nhà hàng Bảo Châu Boutique Sapa)...
Sau một ngày tranh tài sôi nổi, với những món ăn fusion, kết hợp giữa tính truyền thống là nguyên liệu Sapa và công thức chế biến nhưng khoác cho món ăn phong cách hiện đại khi trình bày đã giúp các đầu bếp nhà hàng Bảo Châu Boutique Sapa đạt giải nhất. Đây là đội đã từng đạt giải nhì chung kết “Chiếc Thìa Vàng 2014”.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao đồng giải nhì cho Nhà hàng Red Dao Sapa và Nhà hàng Sen Trắng.
Nghệ nhân ẩm thực Chiêm Thành Long đánh giá cao nguyên Bắc Bộ là cụm thi khá đặc biệt vì có nhiều loại gia vị mới lạ từ trái cây, hạt, lá đồng thời cũng có nhiều cách chế biến hết sức độc đáo, đặc biệt là món ăn và cách nấu nướng của đồng bào dân tộc.
“Các đầu bếp đã hưởng ứng tốt trong việc tìm kiếm giới thiệu và tôn vinh món ăn Việt Nam, tìm tòi sử dụng những loại lá hay trái mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới là có thể dùng để làm gia vị được. Điều đó cũng giúp cho bản đồ gia vị Việt Nam mà cuộc thi Chiếc Thìa Vàng đang hướng tới sẽ thêm phong phú. Vẽ được bản đồ gia vị Việt Nam đồng nghĩa với việc tìm ra con đường giao thoa văn hóa ẩm thực, phát triển nền ẩm thực chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Long nhận định.
Như vậy, kết thúc chặng thứ năm của “Hành trình gia vị Việt”, vòng bán kết cuộc thi Chiếc thìa vàng 2015 đã có tên 70 đội trên toàn quốc. Chặng đường cuối của vòng sơ tuyển là sự tranh tài quyết liệt của rất nhiều đội thi đến từ khu vực Hà Nội và đồng bằng sông Hồng diễn ra tại thủ đô Hà Nội - thành phố của mùa thu nồng nàn hoa sữa.
Cuộc thi do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với Công ty TNHH Minh Long I tổ chức, nhãn hàng Ly’s Horeca tài trợ, Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam và Tổng cục Du lịch Việt Nam đồng bảo trợ.
Tác giả bài viết: An Hưng