Khô rắn
Vào mùa nước nổi, miền Tây Nam Bộ trở thành vùng đầm lớn với rất nhiều loại rắn sinh sôi. Dưới bàn tay chế biến khéo léo của người dân, rắn đã trở thành một loại thực phẩm đặc biệt, được biến tấu thành nhiều món ăn đa dạng. Trong đó, khô rắn được ca ngợi như thứ đồ nhậu có thể chiều lòng cả thực khách khó tính nhất.
Các hộ làm nghề sẽ tập trung sản xuất khô rắn từ tháng 8 tới tháng 11. Rắn mang về được cắt tiết, lột da, róc xương lấy thịt. Sau đó, ướp gia vị theo tỷ lệ gia truyền rồi cán mỏng thành từng miếng dẹt, đem phơi dưới nắng chừng 2 đến 3 ngày.
Khâu phơi rất quan trọng, quyết định tới độ tươi ngon của thành phẩm. Mẻ khô rắn ngon, đạt yêu cầu phải cầm dẻo tay, từng thớ khô kết lại thành khối, màu sắc hồng tự nhiên, tươi tắn. Bình quân cứ 4 kg rắn tươi sẽ cho ra một kg rắn khô.
Có nhiều kiểu thưởng thức khô rắn, nhưng cách phổ biến và đơn giản nhất là đem nướng. Thực khách xé từng miếng nhỏ, chầm chậm nhai để cảm nhận vị ngọt và mùi thơm khó tả đang lan đều trên cánh mũi. Món ngon này có thể kết hợp cùng xoài sống hay cóc chua.
Vũ nữ chân dài
Ít ai biết rằng, cái tên “vũ nữ chân dài” là mỹ từ mà người dân miền Tây dùng để gọi khô nhái - một món nhậu có sức hấp dẫn lạ kỳ.
Nhái sống thành đàn và xuất hiện nhiều nhất vào mùa mưa. Tuy là loài vô cùng đa dạng về chủng loại, nhưng chỉ có nhái cơm sinh sống ven các ruộng lúa mới được dùng để chế biến thành món đặc sản. Nhái cơm thì có quanh năm ở vùng đồng ruộng như Tịnh Biên - An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp...
Nhái cơm vốn đã có kích thước nhỏ. Sau khi lột da, phơi khô thì thu lại chỉ bằng ngón tay. Bình quân, cứ 4 kg nhái tươi sẽ cho một cân nhái khô với giá khoảng 400.000 đồng/kg. Còn vào dịp Tết, khô nhái có thể lên đến 650.000 đ/kg mà không có hàng để bán.
Muốn cho khô nhái đạt chất lượng cao, người chế biến sẽ ướp nhái với tiêu, ớt, muối cho thấm đều rồi mới đem phơi. Thông thường, ướp khô nhái với nhiều gia vị phải để 2 lần nắng, mỗi lần kéo dài từ 1,5 - 2 tiếng. Công đoạn tiếp theo là xếp nhái thẳng hàng trên giàn phơi.
Người ta sẽ dùng “vũ nữ” để nướng hoặc chiên giòn ăn với nước mắm me. Khô nhái rất ngon, có thể coi là món nhậu hấp dẫn ít món nào qua mặt được. Khi thưởng thức nhái khô chiên giòn, thực khách có thể nhai cả xương và thịt.
Khô chuột đồng
Đứng đầu danh sách các loại khô “kinh dị” của miền Tây phải kể đến khô chuột đồng. Đây là đặc sản nổi tiếng ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Chuột đồng ở miền Tây có 2 loại chính là chuột cơm và chuột cống nhum.
Người ta có thể săn chuột đồng từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch, nhưng ngon nhất vẫn là chuột bắt sau vụ gặt. Mùa thu hoạch lúa cũng là lúc bà con nông dân thường xuyên tổ chức những buổi đi săn bắt, vừa cải thiện bữa cơm gia đình, vừa phơi khô để làm món ngon miệt vườn đãi khách.
Cách chế biến khô chuột đồng thơm ngon nhất là vùi vào than củi nóng, khi chín lấy ra đập dập sạch than rồi chấm muối tiêu chanh. Còn một cách chế biến nữa, đó là chiên nhỏ lửa đến khi giòn rụm, ăn vừa bùi, vừa ngậy, béo, lại có vị cay cay, thơm thơm của các loại gia vị.
Cá thòi lòi
Cá thòi lòi sống ở vùng nước ngập mặn - nơi có cây đước. Nó ăn các loại sinh vật sống như tôm, còng, ba khía,… nên thịt rất thơm ngon, lành tính. Không giống các loại cá khác, cá thòi lòi có thể nhảy lên cạn để bắt mồi.
Thân hình của nó trông rất dị hợm bởi cái đầu to và cặp mắt lồi ra ngoài giống như mắt ếch. Cũng chính vì lý do này mà cái tên cá thòi lòi ra đời. Người dân miền Tây thường bắt thòi lòi bằng cách câu hoặc đặt xà di (một ống được đang bằng lá dừa nước).
Để làm khô cá thòi lòi, người ta phải rửa sạch cá, đánh vảy, làm ruột, lột da và bỏ cả phần xương sống bên trong rồi trải ra nia để phơi, đến khi cá chuyển sang màu vàng tươi, thịt săn là được.
Để thưởng thức khô cá thòi lòi, thực khách có thể chiên với nước mắm rồi ăn cùng cơm nóng. Thịt cá ngọt mềm mại cùng chút vị mặn của mắm, cay của gia vị ngon đến khó tả. Ngoài ra, cá thòi lòi khô nướng muối ớt chấm kèm nước mắm me cay cũng là món ngon không thể chối từ.
Khô cá sặc bổi
Khô cá sặc bổi là món khô rất phổ biến ở sông nước miền Tây. Người dân Nam Bộ thường chọn những con cá sặc tươi sống, to bằng bàn tay, làm sạch vảy và ruột, sau đó ngâm trong nước muối chừng một giờ rồi đem phơi.
Thịt cá sặc khi tươi không ngon, bị bở chứ không chắc. Nhưng chỉ cần phơi qua một nắng, chúng đã trở thành đặc sản. Khô cá sặc có thể nướng, chấm muối ớt hoặc chiên vàng, cũng có thể trộn gỏi chua ngọt ăn không ngán. Khô cá sặc có giá khoảng hơn 300.000 đồng một ký đóng gói.
Khô thằn lằn, khô tắc kè
Khô thằn lằn, khô tắc kè ngày nay được nhiều người miền Tây sản xuất, chế biến. Thằn lằn sống ở trong nhà cũng được người dân bắt đem xẻ thịt phơi khô 2 - 3 nắng, sau đó xào với các loại gia vị.
Khô thằn lằn, khô tắc kè là mặt hàng đắt khách của miền Tây.
Khô tắc kè có thể dùng để ngâm rượu hoặc chế biến thành các món nhậu. Nhiều lời đồn đoán cho rằng, món ăn này có khả năng giúp tăng cường sinh lực phái mạnh. Khô tắc kè cũng được sản xuất nhiều tại vùng Tịnh Biên, An Giang. Cứ 3kg tắc kè sống sẽ cho ra 1kg tắc kè khô.
Tác giả: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí