Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về thông báo kết luận thanh tra. Ảnh: GDTD |
Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận, việc UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2019-2020 chuyển kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục sang chi đầu tư phát triển với tổng số tiền là 207,79 tỷ đồng trong khi chưa cấp đủ kinh phí cho hoạt động giảng dạy và học tập ở các cơ sở giáo dục là chưa phù hợp với quyết định của Bộ Tài chính. Thanh tra Bộ GD&ĐT cho hay, thời điểm thanh tra, toàn tỉnh Thanh Hóa có tình trạng thiếu nhiều giáo viên ở các cấp học, bậc học, mất cân đối giữa các môn học ở cấp giáo dục phổ thông.
Ngoài ra, Thanh Hóa chưa đảm bảo số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên tiểu học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tỷ lệ giáo viên trên lớp đối với tiểu học chưa đủ để dạy học 2 buổi/ngày. UBND tỉnh chưa có phương án giải quyết, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp theo Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho khu kinh tế Nghi Sơn; chưa tổng kết, đánh giá và xử lý dứt điểm những tồn tại, sai phạm và những khó khăn, bất cập của đề án này.
Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhiều năm liền không thực hiện tuyển dụng, bổ sung đội ngũ viên chức các trường THPT. Năm 2020 tổ chức tuyển dụng 1 đợt nhưng không đảm bảo chỉ tiêu, có hồ sơ dự tuyển chưa đủ giấy tờ hoặc giấy tờ không đáp ứng tiêu chuẩn. Sở GD&ĐT Thanh Hóa chưa quy định cụ thể các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý cấp phát các loại chứng chỉ. Chứng chỉ tiếng dân tộc do Phó giám đốc Sở GD&ĐT ký là không đúng thẩm quyền theo quy định của Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng chưa công bố công khai thông tin về cấp văn bằng chứng chỉ trên trang thông tin điện tử theo quy định…
Thanh tra Bộ GD&ĐT cho hay, tại Trường ĐH Hồng Đức xảy ra hiện tượng ký chứng chỉ không đúng thẩm quyền theo quy định của Bộ.
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền phong