Trong tỉnh

Thanh Hóa tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất gạch, ngói nung tuynel

Thực hiện Chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực sản xuất gạch, ngói nung tuynel, vừa qua, Sở Xây dựng Thanh Hóa chủ trì phối hợi với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế tỉnh và UBND các huyện, thị trong tỉnh tổ chức tổng kiểm tra hoạt động sản xuất và chất lượng gạch xây tuynel trên địa bàn toàn tỉnh.

Một trong các Nhà máy sản xuất gạch nung tuynel tại Thanh Hóa.

Theo kết quả kiểm tra, đến tháng 3/2017, trên địa bàn Thanh Hóa có 39 Nhà máy (thuộc 33 đơn vị) sản xuất gạch, ngói tuynel (công suất thiết kế 1,06 tỷ viên/năm) đã được xây dựng và đi vào sản xuất. Trong đó, 36 Nhà máy đang hoạt động ổn định, 03 Nhà máy dừng sản xuất. 02 Nhà máy là Tổng Công ty Hà Thanh (huyện Vĩnh lộc) và Công ty CP Gạch ngói và Thương mại Hà Bắc (Hà Trung) xây dựng thêm dây chuyền số 2 nhưng chưa lập Dự án đầu tư và chưa điều chỉnh lại mặt bằng xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với công tác quản lý chất lượng sản phẩm: Qua kiểm tra, có 24/33 đơn vị (tỷ lệ 72%) đã lập hồ sơ công bố hợp quy chất lượng sản phẩm gạch tuynel theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BXD ngày 15/9/2014 của Bộ Xây dựng. Qua kiểm tra mẫu ngẫu nhiên của Sở xây dựng, kết quả 100% mẫu gạch đều đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Đáng chú ý, đối với nguồn nguyên liệu đất sét phục vụ sản xuất trong năm 2015, 2016 của các doanh nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy, lĩnh vực này vẫn tồn tại nhiều bất cập, vi phạm cần tăng cường chấn chỉnh, kiểm tra, xử lý. Trong số 33 đơn vị sản xuất gạch nung, mới có 26/33 đơn vị (đạt 78%) được UBND tỉnh cấp phép thăm dò và chấp thuận chủ trương lập hồ sơ cấp phép. Trong đó, chỉ có 10 đơn vị có Giấy phép khai thác,10 đơn vị có hồ sơ thăm dò trữ lượng và 6 đơn vị có Văn bản chấp thuận chủ trương lập hồ sơ thăm dò, khai thác. Còn lại 15 Nhà máy chưa xác định vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất.

Như vậy, với nguồn nguyên liệu dùng cho sản xuất gạch nung chủ yếu là đất sét, trong số 33 đơn vị đang sản xuất, mới chỉ có 10 đơn vị được cấp phép khai thác, số còn lại vẫn đang khai thác “chui”, hoặc mua nguyên liệu từ bên ngoài. Tình trạng này đã làm gia tăng hoạt động của các “đất tặc”, bởi thực tế diễn ra nhiều năm qua đã cho thấy, tại địa bàn một số xã có nhà máy gạch tuynel đang hoạt động, thường xuyên diễn ra tình trạng một số đầu nậu chuyên móc nối, chạy chọt, lợi dụng danh nghĩa đào ao, hạ “cốt” mặt ruộng, vườn để đào đất sét, đem bán cho các Nhà máy gạch. Thực trạng này đã gây tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Điều này càng được minh chứng rõ nét qua khối lượng 1.699.867 m3 đất sét mà các doanh nghiệp sử dụng trong 2 năm 2015, 2016 để sản xuất gạch nung. Trong đó có 14 Nhà máy thu mua, sử dụng nguyên liệu đất sét nhưng chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (khối lượng 303.734 m3); 3 Nhà máy thu mua khối lượng 111.674 m3, nhưng chưa kê khai nộp thuế tài nguyên, phí môi trường. Cùng với đó, về công tác bảo vệ môi trường, có 19 Nhà máy chưa thực hiện đầy đủ tần suất giám sát môi trường theo quy định.

Ngoài ra, qua tổng hợp của Sở Xây dựng từ báo cáo của các địa phương. Trên địa bàn toàn tỉnh còn có khoảng 1.371 cơ sở, hộ cá thể sản xuất gạch nung tự phát bán thủ công, không đăng ký chất lượng sản phẩm với sản lượng khoảng 300 triệu viên gạch/năm. Sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng nhỏ trong dân sinh, nguồn nguyên liệu phần lớn là xi măng, đá mạt, cát, tự mua trên thị trường, không có cơ sở để quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Kiểm tra việc khai thác đá tại hiện trường. (Ảnh: Phòng Quản lý VLXD, Sở Xây dựng Thanh Hóa)

Trước thực trạng này. Trong nhiều năm qua, với vai trò đơn vị quản lý nhà nước về vật liệu xây, Sở Xây dựng đã tham mưu, đề xuất và được UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện một số nội dung nhằm chấn chỉnh công tác Sản xuất gạch, ngói nung tuynel. Theo đó, UBND đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị chưa có giấy phép khai thác khoáng sản phải nhanh chóng lập hồ sơ xin phép thăm dò, khai thác; Văn bản về tăng cường sử dụng gạch không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch nung đất sét.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 26/8/2014 về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 33/CT-UBND ngày 21/11/2016 về Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất và chất lượng gạch xây trên địa bàn tỉnh…

Song song với công tác kiểm tra, rà soát, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND tỉnh tạm đình chỉ sản xuất 4 Nhà máy gạch gồm: Nhà máy Gốm xây dựng Nga Sơn, đóng tại xã Nga lĩnh, Nga Sơn; Nhà máy Gốm Xây dựng Đông Sơn, xã Đông Phú, Đông Sơn (chi nhánh Công ty sản xuất và Thương mại Đại Thanh); Xí nghiệp gạch Đông văn, xã Đông văn, Đông Sơn, Xí nghiệp gạch Đông Quang, xã Đông Quang, Đông Sơn ( thuộc Công ty CP Xây dựng HANCORP.2). Lý do không kê khai thuế tài nguyên và phí môi trường năm 2015, 2016. Nhiều năm dùng nguyên liệu đất sét không nguồn gốc hợp pháp, không thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy chất lượng gạch tuynel, không quan tâm tìm kiếm nguồn nguyên liệu để lập hồ sơ xin cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đất sét.

Cùng với kiến nghị trên, Sở Xây dựng cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành có thẩm quyền, tiến hành xác định, truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí Môi trường đối với các đơn vị vi phạm. Đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Đối với 15 Nhà máy gạch chưa có mỏ đất sét nguyên liệu, sẽ có thông báo cụ thể về thời hạn lập hồ sơ xin thăm dò, khai thác (phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác đất sét nung của tỉnh đến năm 2025). Theo đó, sau ngày 30/10/2017, đơn vị nào chưa có hồ sơ, sở Xây dựng sẽ lập danh sách trình UBND tỉnh ra Quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tác giả: Đào Nguyên

Nguồn tin: Báo Xây dựng

  Từ khóa: ngói , gạch , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok