Trong tỉnh

Nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư ở miền núi

Tiềm năng lớn, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản. Vậy nhưng, các huyện miền núi vẫn đang loay hoay trong bài toán huy động nguồn vốn, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, tạo sức bật cho kinh tế địa phương.

Sản xuất giấy vàng mã xuất khẩu tại HTX chế biến lâm sản Lang Chánh.

Những tiềm năng còn bỏ ngỏ

Không chỉ có trữ lượng tre, luồng lớn nhất nước, tỉnh ta còn có trữ lượng gỗ lớn, mỗi năm cho khai thác từ 27.000 - 33.000m3 gỗ. Ngoài ra, điều kiện thổ nhưỡng, địa hình ở các huyện miền núi thích hợp với việc phát triển nhiều loại cây lâm sản, một số cây phục vụ cho chế biến thực phẩm... và cây dược liệu. Đó là cơ sở để các huyện miền núi phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Với các địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản, như Thường Xuân, Quan Sơn, Lang Chánh... là điều kiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành nghề công nghiệp chế biến khoáng sản. Giao thông tại các huyện miền núi cũng đã được đầu tư, cải thiện, tạo môi trường thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại.

Vậy nhưng hiện nay, việc thu hút đầu tư vào các huyện miền núi vẫn chưa mang tính hệ thống và còn gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn vừa thiếu, vừa yếu. Ngoài một số cơ sở chế biến lâm sản lớn như: Công ty TNHH Thành Nam (xã Bãi Trành, Như Xuân), Nhà máy Chế biến gỗ Thanh Kỳ (Như Thanh)... mang lại giá trị gia tăng cao cho các loại lâm sản thì ở khu vực miền núi đang thiếu những nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ nguyên liệu có sẵn tại địa phương, như: Luồng, nứa, các loại gỗ...

Việc đầu tư vào các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở miền núi phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân ở lĩnh vực khai thác khoáng sản, chế biến lâm sản có quy mô nhỏ với trình độ công nghệ sản xuất lạc hậu, sản phẩm chưa có giá trị kinh tế cao. Ở lĩnh vực dịch vụ, thương mại, ngoài hệ thống siêu thị và các điểm kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn miền núi Thanh Hóa, các nhà đầu tư khác ở lĩnh vực này còn khá ít ỏi. Điển hình như tại Ngọc Lặc, mặc dù hội tụ những ưu thế vượt trội hơn so với các huyện miền núi khác về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, huyện có nhiều thuận lợi để phát triển các ngành chế biến nông lâm sản, dịch vụ vận chuyển - kho bãi, du lịch, thương mại, các ngành sử dụng nhiều lao động như giày da, may mặc và phát triển nhà ở, khu đô thị... nhưng đến nay trên địa bàn huyện vẫn chưa có dự án lớn nào được triển khai.

Để tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở miền núi, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh ta cũng đã quy hoạch 21 cụm công nghiệp với diện tích 643,7 ha tại các huyện miền núi. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp này rất thấp. Cụm công nghiệp Vân Du (Thạch Thành) đạt tỷ lệ 16,62%, cụm công nghiệp Khe Hạ (Thường Xuân) đạt tỷ lệ 5%, cụm công nghiệp Điền Trung (Bá Thước) đạt tỷ lệ 11%... Một số cụm công nghiệp mới được quy hoạch về mặt diện tích, chưa có doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Cần tháo gỡ những điểm nghẽn trong thu hút đầu tư

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: Để tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triền sản xuất, kinh doanh, huyện đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, cải cách thủ tục hành chính. Hơn nữa, theo quy định của Chính phủ, huyện Ngọc Lặc là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do đó khi doanh nghiệp đầu tư vào địa phương sẽ được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, với địa phương miền núi, mặc dù chi phí giải phóng mặt bằng không lớn, nhưng chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lại cao hơn nhiều so với các huyện đồng bằng. Hạ tầng khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và hạ tầng thương mại tuy được cải thiện nhưng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, cần nguồn vốn lớn để đầu tư, do đó, thời gian thu hồi vốn lâu, ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Việc đáp ứng nguồn và chất lượng lao động cũng khiến các nhà đầu tư ở khu vực miền núi quan tâm. Lực lượng lao động còn nhiều bất cập, tỷ lệ lao động phổ thông cao, thiếu lao động có chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật cao và chuyên gia đầu ngành. Hơn nữa, tác phong làm việc công nghiệp vẫn chưa trở thành quen thuộc với lao động, khiến doanh nghiệp gặp khó khi vào thời vụ sản xuất. Công ty CP Lâm sản Lang Chánh được thành lập cuối năm 2015. Hiện nay, công ty có 2 dây chuyền sản xuất giấy cuộn và 1 dây chuyền sản xuất than sinh học xuất khẩu đi Đài Loan, Trung Quốc và các nước Trung Đông.

Thị trường xuất khẩu khá ổn định và rộng mở. Đơn vị luôn cần duy trì khoảng 100 lao động làm việc thường xuyên. Tuy nhiên, việc duy trì nguồn lao động ổn định ở nhiều thời điểm vẫn khiến đơn vị gặp khó. Ông Lê Ngọc Vũ, giám đốc công ty, cho biết: Với đặc thù công việc, mỗi lao động cần 4 đến 6 tháng để vận hành thành thạo. Tuy nhiên, người lao động ở miền núi vẫn quen tác phong làm việc chưa có kỷ luật, dẫn đến đơn vị muốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận công nghệ gặp khó khăn.

Để giải quyết những bất cập, nâng cao tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư ở các huyện miền núi, khai thác tối đa lợi thế từ các sản phẩm đặc trưng nơi đây, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, cần có cơ chế “khơi thông” chính sách tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Đồng thời, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận nguồn lực về đất đai.

Bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, các địa phương cũng cần chủ động trong việc nghiên cứu, bố trí ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp để tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, ưu tiên trong việc thực hiện các chương trình, hoạt động khuyến công để nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Tác giả: Minh Hằng

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

  Từ khóa: Nhiều khó khăn , miền núi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok