Giáo dục

Nhiều giáo viên "dôi dư" cùng kiện nhà trường ra tòa

Cho rằng nhà trường tự ý chấm dứt hợp đồng lao động đẩy các giáo viên vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc, 5 giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã khởi kiện nhà trường ra tòa.

Giáo viên kiện trường đòi quyền lợi của người lao động

Ngày 5/12, nguồn tin từ TAND huyện Krông Pắk cho biết, đơn vị sẽ tiến hành xét vụ kiện "Tranh chấp hợp đồng lao động" giữa nguyên đơn là 5 giáo viên (GV) trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk) và bị đơn là trường này, vụ án sẽ được xét xử vào ngày 20/12.

Thầy Nguyễn Ánh Dương làm nghề cơ khí cho một cơ sở trên địa bàn sau khi bị dừng giảng dạy (Ảnh: Uy Nguyễn).

Được biết, vụ án được các GV khởi kiện vào tháng 8/2018 và do nhiều lý do chủ quan, khách quan nên đến nay mới đưa ra xét xử công khai.

Thầy Nguyễn Ánh Dương (35 tuổi, giáo viên Hóa trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) cho biết, trước việc trường đã chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định nên cả 5 GV đã đồng loạt khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi chính đáng.

Theo thầy Dương, cả 5 GV đều được ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Phó trưởng ban Nội Chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016) - hiện đã nghỉ hưu, ký quyết định hợp đồng lao động.

Tất cả được phân công về dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai với mức lương khởi điểm có hệ số 2,34. Kinh phí được chi trả do nhà trường tự cân đối từ nguồn ngân sách nhà nước giao trong chỉ tiêu biên chế.

Hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắk từng được tuyển dụng ồ ạt, dôi dư trên 500 người (Ảnh: Cường Phạm).

Các GV sau khi nhận nhiệm vụ về trường dạy ổn định cho đến ngày 20/1/2017 thì nhà trường yêu cầu 22 GV dạy hợp đồng ký lại hợp đồng thời vụ (từ tháng 2 đến tháng 7/2017), mức lương 1.500.000 đồng/tháng/người. Trừ các loại bảo hiểm, mỗi người chỉ còn được nhận chỉ còn 1.002.500 đồng. Nguyên nhân được cho là do nhà trường dôi dư số lượng GV và không đủ tiền chi trả cho GV hợp đồng theo hệ số.

Cũng theo thầy Dương, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai là ông Nguyễn Khắc Thành còn thông báo: "đồng chí nào đồng ý thì ký hợp đồng mới, nếu không đồng ý thì trường sẽ tạm dừng hợp đồng".

Nhận thấy yêu cầu của nhà trường trái với hợp đồng đã ký theo quyết định của UBND huyện nên 5 GV đã không ký. Sau đó, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đã ngưng phân công công tác, ngừng chi trả lương và các loại bảo hiểm kể từ ngày 1/2/2017 đến nay.

Chật vật mưu sinh sau khi bị dừng việc

Trước sự việc, các GV đã làm đơn khởi kiện "tranh chấp hợp đồng lao động" trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai ra tòa. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc là UBND huyện Krông Pắk.

Một nữ giáo viên rời bục giảng trở về làm nghề nông mưu sinh (Ảnh: Uy Nguyễn).

"Sau khi mất việc, tôi xin đi làm thợ sắt cho một cơ sở cơ khí, dịch bệnh nên mức thu nhập cũng bấp bênh, vất vả", thầy Dương buồn bã nói.

Cùng là nguyên đơn trong vụ kiện, thầy Lương Văn Chinh (35 tuổi, giáo viên Tin học trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) chia sẻ, sau khi bị ngừng việc giảng dạy ở trường, thầy đã quay về nhà làm nông dân với rất nhiều khó khăn.

"Ngoài làm nông cho gia đình, tôi cũng đi làm thuê quanh vùng để bám trụ nuôi vợ con. Tôi mong vụ kiện sẽ sớm chấm dứt, chúng tôi sẽ được giải quyết quyền chính đáng", thầy Chinh cho hay.

Cũng giống như thầy Dương, thầy Chinh các thầy cô khác trong vụ kiện cũng phải rời xa bục giảng, chật vật tìm đủ nghề để mưu sinh.

Như Dân trí đã có loạt tin, bài phản ánh về việc hai đời Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk tuyển ồ ạt tuyển GV dẫn đến tình trạng dôi dư trầm trọng trên 500 GV.

Trong đó, ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn năm 2011 - 2015 đã "vung bút" ký hơn 400 hợp đồng lao động và ông Y Suôn Byă - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk kế nhiệm lại tiếp tục ký tuyển dụng thêm 197 hợp đồng giáo viên, nhân viên trường học dù đã dư thừa rất nhiều.

Với những vi phạm này, năm 2018 Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã kỷ luật khiển trách ông Y Suôn Byă - Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (hiện là Phó Chủ tịch Hội nông dân Đắk Lắk); ông Nguyễn Sỹ Kỷ bị kỷ luật cảnh cáo khi đang giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (hiện đã nghỉ hưu).

Riêng số lượng GV dôi dư, chỉ có 28 người được tuyển dụng, số còn lại trên 500 người đã bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Tác giả: Thúy Diễm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok